Dự án nâng cấp vùng nuôi tôm Hà Voọc (thôn Tân Quý, xã Hộ Độ, Lộc Hà) do Sở NN&PTNT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Năm 2015, dự án nâng cấp vùng nuôi tôm Hà Voọc ở thôn Tân Quý, xã Hộ Độ (Lộc Hà) do Sở NN&PTNT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, bao gồm các hạng mục: Nâng cấp về hạ tầng cơ sở, kênh mương tiêu thoát, hệ thống đường điện... đã phát huy được hiệu quả, mang lại thu nhập cho 42 hộ dân nuôi tôm nơi đây.
Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, đến nay, hệ thống đường điện phục vụ cho 36 ha diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại đây đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Sau nhiều năm sử dụng, hạ tầng đường điện xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Giám đốc Hợp tác xã NTTS Hà Voọc Trương Quang Lộc phản ánh: Hạ tầng cơ sở tuyến đường điện ở đây thực sự đáng lo ngại, một số cột điện bị đổ gãy do mưa bão đang được các xã viên chống đỡ bằng cột tre dùng tạm. Điều đáng nói, nhiều bó dây điện của các hộ nuôi cuộn vào nhau, võng xuống ngang mặt người, rất dễ xảy ra tai nạn. Trong quá trình nuôi, nếu xảy ra chập cháy thì toàn bộ hệ thống điện sẽ bị tê liệt, rất khó để khắc phục sửa chữa.
“Hạ tầng đường điện xuống cấp không được nâng cấp sửa chữa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, luôn là nỗi lo bất an của các hộ dân nuôi tôm nơi đây, nhất là vào thời điểm cải tạo ao đầm trước khi bước vào vụ nuôi mới” – anh Lộc lo lắng nói.
Hạ tầng xuống cấp kéo theo thất thoát điện năng lớn, giá điện tăng cao. (Trong ảnh: Tiền điện sản xuất được chia ra từ công tơ tổng với mức giá 25.000 đồng/kW trong tháng 1 của hộ anh Trương Quang Lộc)
Không những thế, nhiều hộ dân ở đây còn phản ánh, giá điện ở vùng nuôi tôm này khá cao do hạ tầng xuống cấp, dẫn đến thất thoát điện năng lớn.
Chủ đầm tôm Nguyễn Doanh Doãn cho hay: “Tôi nuôi tôm bán thâm canh với diện tích gần 1 ha nhưng mỗi tháng phải trả hơn 2 triệu tiền điện với giá điện từ 24.000 – 28.000 đồng/kW. Giá điện này khá cao vì một số vùng nuôi tôm thâm canh công nghệ cao trên địa bàn chỉ phải trả với mức giá từ 18.000 đồng – 20.000 đồng/kW”.
Hạ tầng điện xuống cấp cùng với mức giá điện quá cao là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều hộ nuôi tôm ở đây không mặn mà với việc đầu tư nâng cấp ao nuôi lên hình thức thâm canh, công nghệ cao.
Hệ thống đường điện xương cá hiện không ai đứng ra quản lý, chịu trách nhiệm
Cần sớm bàn giao cho điện lực quản lý
Theo các xã viên Hợp tác xã NTTS Hà Voọc, hệ thống đường điện phục vụ sản xuất ngày càng xuống cấp nhưng hiện tại đang được giao cho HTX quản lý (không có hồ sơ bàn giao). Tuy nhiên, HTX chỉ với vai trò thuê người thu tiền điện từ công tơ tổng rồi chia ra cho các hộ dân, còn việc đường dây bị hỏng, chập cháy thì không có người đủ chuyên môn để khắc phục, sửa chữa.
Nguy hiểm nhất là vào mùa mưa bão, nếu không may có sự cố về điện thì không tổ chức nào đứng ra chịu trách nhiệm?!
Các xã viên Hợp tác xã NTTS Hà Voọc mong muốn Điện lực Lộc Hà tiếp nhận quản lý hạ tầng lưới điện
Thực trạng trên đã được HTX kiến nghị lên các cấp chính quyền, ngành liên quan nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”.
Chủ tịch UBND xã Hộ Độ Phan Đình Hinh cho rằng: Vướng mắc hiện nay tại vùng nuôi tôm Hà Voọc là hệ thống đường điện chưa được cơ quan có chuyên môn quản lý. Hiện tại, Điện lực Lộc Hà chỉ cung cấp điện phục vụ cho các hộ dân sản xuất, không có trách nhiệm trước hạ tầng lưới điện đang bị xuống cấp.
Chính quyền địa phương đề xuất sớm bàn giao trạm biến thế cùng hệ thống điện lưới cho Điện lực Lộc Hà quản lý, đảm bảo an toàn cho các hộ dân nuôi tôm nơi đây
Từ kiến nghị xác đáng của người dân, chính quyền địa phương cũng đề xuất với tỉnh sớm chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét bàn giao hồ sơ trạm biến áp cho Điện lực Lộc Hà quản lý nhằm tái thiết đầu tư lưới điện đảm bảo an toàn, bán điện trực tiếp, hạn chế thất thoát cho các hộ dân nuôi tôm yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.