Ngay sau khi nắm được thông tin, TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh đã đến Khoa Cấp cứu - chống độc BVĐK Hà Tĩnh - nơi 5 bệnh nhân nặng bị ngộ độc đang điều trị để thăm hỏi, động viên các bệnh nhân, đồng thời chỉ đạo đội ngũ y, bác sỹ tích cực điều trị. Lãnh đạo Sở Y tế cũng chỉ đạo Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế Can Lộc và Trung tâm Y tế Thạch Hà nhanh chóng điều tra để xác định rõ nguyên nhân.
Bác sỹ Trần Tiền - Khoa Cấp cứu chống độc, BVĐK Hà Tĩnh cho biết: vào lúc 21 giờ ngày 24/2, khoa tiếp nhận 5 bệnh nhân ở thôn Khánh Sơn, xã Sơn Lộc có triệu chứng đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng; một số bệnh nhân có kèm theo sốt.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sỹ đã tiến hành truyền dịch, dùng kháng sinh, men tiêu hóa điều trị hỗ trợ... 5 bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa.
5 bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Cấp cứu chống độc - BVĐK Hà Tĩnh.
Theo anh Nguyễn Thu Lưu - một trong 5 bệnh nhân cho biết: Trưa ngày 23/2, trên đường đi làm về qua ngã ba Khe Giao (xã Sơn Lộc - Can Lộc) thấy có người bán thịt bê thui nên đã mua 1kg về ăn cùng gia đình. Do về đến nhà muộn nên gia đình đã ăn cơm xong nên chưa sử dụng đến số thịt này.
Đến tối, anh cùng 4 mẹ con đưa thịt bê ra ăn và đem phần cho 3 mẹ con chị gái. Sau khi ăn xong được một lúc, cả 8 người bắt đầu có triệu chứng nôn và đi ngoài.
Ngay sau đó, các thành viên trong gia đình anh và gia đình chị gái đã lên khám ở Trạm Y tế xã Sơn Lộc. Sau khi thăm khám, 5 trường hợp nặng được chuyển xuống BVĐK tỉnh để điều trị, 3 người bị nhẹ được điều trị và theo dõi tại Trạm Y tế xã Sơn Lộc.
Anh Lưu cũng cho biết, hôm đó, ngoài anh còn có một người bạn làm cùng cũng mua 0,5kg về ăn và cũng bị ngộ độc thực phẩm, hiện đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà.
Cán bộ Chi cục ATVSTP tỉnh điều tra bệnh nhân ngộ độc thực phẩm
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, mỗi người cần cẩn trọng trong việc lựa chọn, bảo quản, chế biến thức ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; cần mua những thực phẩm tươi mới, có xuất xứ rõ ràng, không bị ôi thiu hay hết hạn sử dụng; thức ăn chưa chế biến, chưa sử dụng cần được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp và đảm bảo sạch sẽ, tránh bị mốc, hỏng, nhiễm khuẩn, biến chất;
Đảm bảo tay và các dụng cụ luôn sạch sẽ khi tiếp xúc với thực phẩm trong suốt quá trình chế biến, làm chín thức ăn ở nhiệt độ phù hợp, rửa sạch các loại trái cây, rau sống trước khi sử dụng; thực hiện ăn chín uống sôi, ăn uống ở những nơi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh những quán ẩm thấp, bụi bẩn…
Tin liên quan: