Hà Tĩnh chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu trước nguy cơ xâm nhập

(Baohatinh.vn) - Trước những nguy cơ bệnh bạch hầu có thể xâm nhập, lây lan, ngành y tế Hà Tĩnh đã chủ động kích hoạt các giải pháp phòng, chống dịch hữu hiệu.

Thông tin từ Bộ Y tế, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang do có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong tại Nghệ An.

Đặc biệt, ngày 9/7, trên địa bàn Hà Tĩnh xuất hiện một trường hợp đi từ Đắk Lắk trở về (trú tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê) có các triệu chứng nghi ngờ bị bạch hầu phải chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Dù đến nay, theo kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thì ca bệnh nghi ngờ đã âm tính với bệnh bạch hầu nhưng qua đó cho thấy dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập bất cứ lúc nào. Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan, ngành y tế Hà Tĩnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống.

bna_anh-khanh-thao-6-A.jpg
Nghệ An triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu sau khi phát hiện ca bệnh. Ảnh Báo Nghệ An.

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cho biết: "Ngay sau khi nắm bắt thông tin ca bệnh tại Nghệ An, CDC Hà Tĩnh đã nhanh chóng phối hợp với CDC Nghệ An nắm bắt thông tin, tiến hành truy vết những người Hà Tĩnh hoặc sinh sống trên địa bàn Hà Tĩnh đi từ vùng có dịch về hoặc có tiếp xúc với ca bệnh, tiếp xúc với người có nguy cơ cao. Nếu gặp các trường hợp trên thì có thể kịp thời triển khai khoanh vùng, cách ly và chủ động các biện pháp điều trị dự phòng. Đến nay vẫn chưa phát hiện có trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh hoặc đi từ vùng có dịch về.

Còn đối với trường hợp ở Hương Khê đi từ Đắk Lắk về, trước khi có kết quả xét nghiệm âm tính với bạch hầu vào sáng nay (11/7) thì ngay từ ngày 9/7, đơn vị đã chủ động phối hợp Trung tâm Y tế huyện Hương Khê tiến hành rà soát, lập danh sách các trường hợp có tiếp xúc gần để có biện pháp dự phòng và triển khai công tác phòng, chống dịch như một ca bệnh nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch có thể lây lan".

z5618771773837_c64339a706b3461ec3b5d2c2f741ef4aA.jpg
Trước khi bệnh nhân ở xã Hà Linh (Hương Khê) có kết quả âm tính với bệnh bạch hầu thì ngành y tế đã chủ động triển khai các biện pháp dự phòng.

Tại Hương Khê, ngay thời điểm có thông tin về trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bạch hầu, Trung tâm Y tế huyện đã nhanh chóng vào cuộc để triển khai công tác phòng, chống dịch.

Bác sỹ Nguyễn Trường Lâm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hương Khê cho biết: "Khi chưa có kết quả xét nghiệm của ca bệnh nghi ngờ thì trung tâm đã nhanh chóng tiến hành điều tra dịch tễ, rà soát, nắm bắt tất cả những người có tiếp xúc gần với người này để hướng dẫn các biện pháp dự phòng. Đồng thời tổ chức vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại nhà người bệnh và tổ chức giám sát chặt chẽ dịch tễ tại khu vực mà bệnh nhân sinh sống. Rất may là ca bệnh nghi ngờ đã có kết quả xét nghiệm âm tính với bạch hầu".

z5446353238581_6f2b6f005ef2480bc9558d13a6a15fa3_36f72a.jpg
Chủ động tiêm chủng vắc-xin đủ liều, đúng lịch là giải pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh bạch hầu.

Được biết, hiện Hà Tĩnh cũng đã kích hoạt hệ thống giám sát từ tỉnh đến cơ sở, bao gồm giám sát cộng đồng và giám sát tại các cơ sở điều trị, chú trọng đến các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ.

Phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền, cảnh báo về bệnh bạch hầu để nâng cao nhận thức cho người dân. Các cơ sở y tế sẵn sàng vật tư, hóa chất, máy móc và nhân lực để chủ động cách ly, điều trị khi có ca bệnh, tránh bị động.

Bác sỹ Phạm Thị Hồng Lam – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Nghi Xuân cho biết: "Là địa bàn giáp với tỉnh Nghệ An nên ngay khi có thông tin về ca bệnh, trung tâm đã nhanh chóng tổ chức thông báo về tất cả các trạm y tế xã, thị trấn để rà soát những người có thể tiếp xúc với ca bệnh hoặc đi về từ vùng có dịch hoặc người có triệu chứng nghi ngờ thì nhanh chóng đeo khẩu trang đến cơ sở y tế để khai báo và thăm khám. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền đến tận các thôn, tổ dân phố về bệnh bạch hầu, từ đó, khuyến cáo người dân chủ động nắm bắt lịch tiêm chủng mở rộng để tiêm phòng đúng lịch, đủ liều cho trẻ em".

z5616427962124_517090768864f1cc1114372a364e3863_be5caA.jpg
Khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống bệnh bạch hầu.

Theo chỉ đạo từ CDC Hà Tĩnh, 216 trạm y tế tuyến xã trên toàn tỉnh cũng đang phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo về bạch hầu nhất là các triệu chứng, mức độ của bệnh. Đồng thời, ngành y tế cũng triển khai kế hoạch tập huấn nhanh cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh bạch hầu, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn.

1A.jpg
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Chí Thanh khuyến cáo người dân cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch.

“Bạch hầu là bệnh đã có vắc-xin phòng bệnh hữu hiệu, chính vì vậy, người dân cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đúng và đủ lịch. Hằng năm, tỷ lệ tiêm phòng bạch hầu của Hà Tĩnh luôn nằm ở mức 90-95% nên sẽ có một bộ phận trẻ chưa tiêm đủ liều, đúng liều nên nguy cơ mắc bệnh sẽ cao. Mặt khác, người dân khi đi từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần đến các cơ sở y tế khai báo để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp dự phòng”, Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh – Giám đốc CDC Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính ở cổ họng và đường hô hấp trên (mũi, xoang cạnh mũi, đường mũi và hầu họng). Tác nhân gây ra bệnh là ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu tiết ra tác động đến tim, thận và hệ thần kinh gây nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân, khiến người bệnh có nguy cơ tử vong cao.

Theo WHO, bạch hầu là bệnh có tỷ lệ tử vong lên đến 20%, trong đó tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên ngày càng tăng. Vi khuẩn bạch hầu rất dễ lây lan. Chúng lây theo đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi, ho… giọt bắn có chứa vi khuẩn hòa vào không khí, khi hít phải, nếu cơ thể chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu sẽ mắc bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp khi tiếp xúc với các vật dụng có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 2 – 5 ngày hoặc hơn kể từ khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.