Những cánh đồng P6 ở Đức Thọ cho thu hoạch bội thu
Đến thời điểm này, Đức Thọ đã cơ bản hoàn thành vụ thu hoạch lúa xuân. Ông Nghiêm Sỹ Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ cho biết: “Năng suất bình quân toàn huyện đạt 64 tạ/ha, cao hơn năm đạt “đỉnh” 2 tạ/ha (2016 đạt 62 tạ/ha). Điều quan trọng, nhờ chủ động sản xuất, từ cơ cấu giống, bổ cứu phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch đúng thời vụ mà năng suất lúa năm nay khá đồng đều, toàn diện ở tất cả các địa phương”.
Bước vào vụ sản xuất vụ xuân 2018, Đức Thọ cơ cấu đến gần 2.000 ha lúa P6. Đây là giống lúa chất lượng tạo nên thương hiệu gạo Đức Thọ, tuy nhiên cũng là giống lúa được đưa vào “tầm ngắm” tiềm ẩn bệnh đạo ôn.
Từ giữa tháng 2/2018, những dấu hiệu của bệnh đạo ôn đã bắt đầu xuất hiện. Liên tục từ thời gian đó, các công lệnh về cảnh báo nguy hiểm, chỉ đạo phòng trừ từng đối tượng sâu bệnh được chuyển tải đến tận người dân.
Ông Trần Văn Tam, xã Trung Lễ cho hay: “Các đợt phòng trừ được phát trên loa truyền thanh, huyện và xã còn có cán bộ thường xuyên bám ruộng để hướng dẫn cho bà con nông dân từ loại thuốc gì, mua ở đâu, phun vào thời điểm nào. Nhờ vậy, bà con nông dân chủ động và rất yên tâm. Đồng thời, ý thức của bà con cũng được thay đổi để có mùa vụ an toàn, năng suất cao hơn”.
Năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 55 tạ/ha, cao hơn vụ xuân 2017 đến 13,91 tạ/ha
Cẩm Xuyên vừa trải qua một vụ mùa cam go. Một phần nguyên nhân là do hình thái thời tiết vụ xuân năm nay bất lợi cho sản xuất, diễn biến thất thường, mưa ẩm kéo dài. Trong khi đó, trong hơn 9.000 ha thì giống lúa VTNA 2 - một trong những giống biểu hiện thoái hóa chiếm diện tích lớn, gây ra thiệt hại lớn do bệnh đạo ôn, đốm nâu phá hại.
Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho hay: “Vào thời điểm đạo ôn lá, có trên 1.114 ha bị nhiễm, nguy cơ bùng phát trên cổ bông cao. Cùng với việc khoanh vùng, dự báo sát diễn biến của bệnh trên các trà lúa, huyện đã tổ chức tập huấn phun phòng trừ về tận thôn cho 18/26 xã có diện tích lúa thay vì chỉ phát công văn về xã như trước”.
Mùa vàng về trên khắp các địa phương trên toàn tỉnh
Không có xã nào phải chịu mất trắng, Cẩm Xuyên “về đích” vụ lúa quan trong nhất năm với năng suất trung bình khoảng 55 tạ/ha, trở thành một trong những năm có năng suất cao nhất (tương đương với năm 2016). Trong đó, có những xã năng suất vượt trội như: Cẩm Thăng (64 tạ/ha), Cẩm Bình (63 tạ/ha)…
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 40.000 ha lúa xuân (đạt trên 67% diện tích). Cùng với những “gương mặt” quen thuộc: Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên… thì sự bứt phá của các huyện miền núi với thế mạnh của lúa lai như Vũ Quang đã góp phần đưa năng suất bình quân toàn tỉnh lên 55 tạ/ha, cao hơn vụ xuân 2017 đến 13,91 tạ/ha.
Sau mùa thu hoạch, bà con tận dụng thu gom rơm rạ về phục vụ chăn nuôi
Theo ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, kết quả này chứng minh quá trình sản xuất chủ động ở các địa phương. Trong điều kiện BĐKH ngày càng phức tạp, Hà Tĩnh vốn là “rốn” của bệnh đạo ôn, từ vụ xuân 2017 lại xuất hiện những chủng nòi mới mà kể cả các nhà khoa học cũng chưa thể kết luận hết sức công phá của nó thì việc kiểm soát đồng ruộng là bài học lớn đưa đến thành công.
“Bố trí khung thời vụ phù hợp với tình hình thời tiết và sinh trưởng của cây trồng, việc kiểm soát tốt nguồn đầu vào cho sản xuất từ giống, vật tư đến thuốc BVTV đã giúp sản xuất không bị rơi vào thế bị động hoặc sự cố đáng tiếc. Từ đó, các địa phương cũng dễ lựa chọn cho mình bộ khung về cơ cấu giống phù hợp, vừa đảm bảo thời vụ, vừa đảm bảo năng suất, chất lượng cuối vụ”, ông Hà cho biết.