Nhiều khó khăn từ đầu vụ
Nhiều năm qua, thôn Hồng Lĩnh (xã Vượng Lộc, Can Lộc) được xem là “vựa” rau giống lớn nhất tỉnh. Toàn thôn hiện có 25 ha trồng rau giống, mỗi vụ sản xuất xuất ra thị trường hàng triệu cây giống như: su hào, súp lơ, cải bắp, bầu, bí, rau cải các loại... Để phục vụ thị trường, thời điểm này, nông dân trong thôn đã bắt đầu làm đất và xuống giống. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến dự báo có nhiều bất lợi trong tháng 9 khiến tiến độ sản xuất của thôn bị ảnh hưởng khá nhiều.
Ông Trần Văn Tuấn (thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc, Can Lộc) cho biết: “Chuyên sản xuất cây giống nên chúng tôi phải làm đất, gieo trỉa trước thời vụ xuống giống tập trung của tỉnh. Tuy nhiên, thời tiết dự báo có mưa nên tôi mới chỉ sản xuất ở trong vườn nhà, còn vùng tập trung chắc phải “đon" thời tiết những ngày tới xem sao đã vì nếu mưa lớn diễn ra thì phải gieo trồng lại từ đầu”.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, từ nay đến tháng 11/2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 5 - 6 cơn bão/ATNĐ, trong đó có khoảng 3 cơn đổ bộ vào đất liền tập trung ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Mưa lớn ở Hà Tĩnh tập trung chính vào nửa cuối tháng 9 đến nửa đầu tháng 11/2024, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, trong tháng 9-10/2024, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đây là thời điểm bắt đầu xuống giống tập trung của nông dân nên sẽ gây ra không ít khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ.
Theo thông tin từ từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, do lo ngại ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, hiện nay, các địa phương cơ bản vẫn chưa triển khai đồng loạt sản xuất vụ đông, chỉ mới tập trung vào khâu làm đất, ươm giống, cải tạo vùng trồng, chuẩn bị vật tư… tại các vùng ít chịu ảnh hưởng của ngập lụt.
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết : “Như vậy, vụ đông 2024 của Hà Tĩnh khả năng chịu ảnh hưởng của mưa lũ đầu vụ và rét đậm, rét hại giai đoạn cuối vụ. Vì vậy, cần chủ động, linh hoạt trong bố trí thời vụ và cơ cấu cây trồng để né tránh thiên tai, hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn, hiệu quả sản xuất vụ. Ngoài ra, thời tiết duy trì hình thái mưa ẩm kéo dài thuận lợi cho các đối tượng dịch hại phát sinh, phát triển làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất các loại cây trồng”.
Linh hoạt các giải pháp để vụ đông thắng lợi
Trong điều kiện thời tiết tại Hà Tĩnh thường xuất hiện những trận mưa lớn, kéo dài trong tháng 9 đến tháng 11, mô hình nhà lưới đã phát huy hiệu quả khi giúp các HTX tại TP Hà Tĩnh giảm thiểu tối đa thiệt hại, đảm bảo hoạt động sản xuất.
Khi nhiều diện tích đất sản xuất trên địa bàn tỉnh chưa xuống giống vụ đông, HTX rau củ quả phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) bắt đầu có sản phẩm rau bán ra thị trường nhờ đầu tư sản xuất trong nhà lưới. Chị Trần Thị Minh Huyền - Chủ tịch Hội Nông dân phường Thạch Quý cho biết: “Hiện nay, HTX rau củ quả phường Thạch Quý đang chủ yếu sản xuất rau ngắn ngày các loại, trong đó nhóm cây trồng chính gồm cải bó xôi, cải bẹ mào gà, cải ngọt. Sản lượng có thể đạt bình quân từ 1-1,2 tấn/500m2/vụ. Nhờ có hệ thống nhà màng nên bà con xuống giống sớm, cây phát triển tốt, giá bán từ đầu vụ cao hơn từ 15 - 20% so với chính vụ, đem lại lợi nhuận khá cho các thành viên HTX”.
Được biết, vụ đông 2024, TP Hà Tĩnh đặt mục tiêu sản xuất trên 140 ha diện tích. Nhằm tăng tính liên kết ổn định đối với sản xuất nông nghiệp, trong vụ đông 2024, TP Hà Tĩnh sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả dự án liên kết sản xuất rau củ quả an toàn gắn với chế biến bột rau củ của HTX nông nghiệp sạch Hatisa trên diện tích 2 ha tại xã Đồng Môn, Thạch Hạ.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng trồng thử nghiệm một số đối tượng cây trồng, vật nuôi sản xuất trong vụ đông để đánh giá hiệu quả tạo tiền đề định hướng sản xuất cho những năm tiếp theo; chú trọng đưa vào cơ cấu nhóm rau củ quả có giá trị kinh tế cao (dưa chuột, cà chua, ớt chuông, cải bó xôi), sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu, tăng giá trị, tăng hiệu quả sản xuất.
Xem vụ đông là vụ sản xuất chính đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, huyện Lộc Hà cũng chú trọng tập trung triển khai chỉ đạo sản xuất ngay từ đầu vụ.
Theo ông Phan Văn Thanh - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà, các địa phương phấn đấu phủ kín 471 ha đất màu, mang về tổng sản lượng khoảng 3.200 tấn sản phẩm. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, hiện nay, huyện đã chú trọng mở rộng diện tích các giống cây trồng có giá trị, năng suất tốt như khoai lang Chiêm Bông, Hoàng Long, KTB1; ngô HN88, HN68,...
Đối với các loại rau thân lá (su hào, cải bắp, súp lơ, ngò, hẹ, cải...) ưu tiên làm ở các vùng chuyên canh, vườn hộ theo hướng đa vụ, gối vụ; các loại rau lấy củ (cà rốt, hành, kiệu...) trồng ở những vùng đất cao, vùng dễ thoát nước, có phủ rơm rạ trên luống. Nhóm rau lấy quả (dưa chuột, cà chua, đậu, bí, bầu, ớt, cà...) ưu tiên các vùng chuyên canh, vườn hộ, nhà màng.
Tại cuộc họp triển khai đề án sản xuất vụ đông năm 2024, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Thọ nhấn mạnh: “Các địa phương chú trọng huy động tối đa nguồn lực sản xuất, phấn đấu sản xuất phủ kín diện tích đất màu, đất vườn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở những vùng có điều kiện thoát nước tốt để mở rộng tối đa diện tích vụ đông, tăng hệ số sử dụng đất. Trên cơ sở khung thời vụ và thời gian sinh trưởng các giống, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của từng địa phương, từng vùng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, bố trí thời vụ gieo trồng phù hợp đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả”.