Hà Tĩnh sẵn sàng sơ tán người dân trước nguy cơ sạt lở

(Baohatinh.vn) - Trước dự báo có mưa lớn kéo dài trong khi nhiều khu vực đồi núi đã “no" nước, các địa phương ở Hà Tĩnh đã sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Hà Tĩnh sẵn sàng sơ tán người dân trước nguy cơ sạt lở

Đất đá tràn vào căn nhà của bà Nguyễn Thị Tâm ở thôn 8, xã Hương Thủy, Hương Khê.

Những ngày cuối tháng 9, do ảnh hưởng mưa lớn, nhiều tuyến đường, khu vực ở xã Hương Thủy (huyện Hương Khê) bị ngập lụt, chia cắt cục bộ.

Thời tiết diễn biến phức tạp khiến khu vực đồi phía sau căn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Tâm ở thôn 8 (xã Hương Thủy) có dấu hiệu sạt lở khi đất đá bị sụt trượt, một số cây cối đổ ngã và nước chảy theo vết nứt từ trên đồi xuống. Thậm chí bùn đất đã tràn vào nhà bà Tâm.

Trước nguy cơ xảy ra sạt lở, đe dọa gia đình bà Tâm, cấp ủy, chính quyền xã Hương Thủy đã sơ tán hộ này tới nơi an toàn. “Trước dự báo Hà Tĩnh lại mưa lớn diện rộng và kéo dài nhiều ngày nên thời điểm này, địa phương vận động bà Tâm tiếp tục trú ngụ ở nhà người thân, không trở về nhà khi thời tiết vẫn diễn biến phức tạp”, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy Ngô Xuân Tân cho hay.

Theo ông Tân, ngoài gia đình bà Tâm, trường hợp mưa lớn kéo dài, trên địa bàn xã còn có một số khu vực, tuyến đường nguy cơ xảy ra sạt lở, ảnh hưởng tới các hộ dân. Xã cùng với cán bộ thôn tiến hành rà soát, nắm bắt từng khu vực, từng hộ dân cụ thể và nếu thời tiết diễn biến phức tạp, sẽ sơ tán các hộ dân tới nơi an toàn.

Hà Tĩnh sẵn sàng sơ tán người dân trước nguy cơ sạt lở

Hà Tĩnh sẵn sàng phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn. Ảnh tư liệu

Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão, ngập lụt, trong những năm qua, huyện Hương Khê chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai với việc luôn sẵn sàng phương án sơ tán, di dời người dân, tài sản ở các khu vực xung yếu, trong đó có vùng nguy cơ xảy ra sạt lở, đến nơi an toàn.

Theo rà soát, trong số 7.130 hộ dân với 24.660 nhân khẩu ở huyện Hương Khê nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai (ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạ du hồ chứa, công trình thủy lợi trọng điểm); có 339 hộ với 1.534 người phải di dời, sơ tán khi xảy sạt lở đất, sạt lở ven sông.

Các vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất như: Hương Lâm, Hương Liên, Hương Trạch, Hương Vĩnh, Phú Phong, Hà Linh...

“Với những điểm dân cư nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, địa phương xây dựng phương án và cụ thể hóa việc tổ chức phòng tránh, sơ tán người và tài sản đến vị trí an toàn; cán bộ địa phương được phân công theo dõi, chỉ đạo khu vực nguy hiểm”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ thông tin.

Hà Tĩnh sẵn sàng sơ tán người dân trước nguy cơ sạt lở

Khu vực ven đồi núi ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân) có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Trong khi đó, khu vực chân núi ở xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân) – nơi có 19 hộ dân với 61 nhân khẩu đang sinh sống cũng nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Mùa mưa lũ năm 2020, khu vực ven núi xã Xuân Lam cũng đã từng xảy ra tình trạng sạt lở và thời điểm đó, chính quyền địa phương đã phải sơ tán các hộ dân tới nơi an toàn.

Trước nguy cơ cao xảy ra sạt lở vào mỗi mùa mưa lũ, ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của các hộ dân, chính quyền xã Xuân Lam đã đề xuất các cấp chính quyền ưu tiên hỗ trợ về nhà ở để có thể sớm di dời các hộ dân tới vùng tái định cư, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân. Đề xuất này hiện đang được huyện, tỉnh xem xét, khảo sát.

Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho các hộ dân, xã Xuân Lam đang theo dõi sát tình hình thời tiết và trường hợp có dấu hiệu bất thường sẽ nhanh chóng sơ tán người dân, tài sản các hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất tới nơi an toàn.

Ngoài xã Xuân Lam, còn 45 hộ dân với 160 nhân khẩu của các xã Xuân hồng, Xuân Lĩnh, Cương Gián của huyện Nghi Xuân cũng nằm trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng của sạt lở đất.

Hà Tĩnh sẵn sàng sơ tán người dân trước nguy cơ sạt lở

Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả tràn từ chiều 10/10 để hạ mực nước thượng lưu, tăng dung tích phòng lũ.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá cho hay, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với gió đông trên cao nên từ nay tới 15/10, Hà Tĩnh xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa cả đợt ở vùng núi phổ biến 100 – 200mm, đồng bằng ven biển 150 – 300mm, có nơi trên 350mm.

Sau đợt mưa lớn này, từ ngày 16 – 20/10, không khí lạnh tiếp tục tăng cường, kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới và gió đông trên cao nên khả năng tiếp tục xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa rất lớn.

“Mưa lớn kéo dài không chỉ gây ngập úng ở vùng trũng thấp, khu vực đô thị, mà còn nguy cơ rất cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi, ven các sông suối. Đặc biệt, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 đợt mưa lớn và nhiều khu vực đồi núi đã ngấm no nước, nguy cơ xảy ra lũ lụt, sạt lở đất lại càng tăng cao”, ông Trần Đức Bá đánh giá.

Hà Tĩnh sẵn sàng sơ tán người dân trước nguy cơ sạt lở

Mưa lớn gây sạt lở tuyến quốc lộ 8 qua xã Sơn Kim 1, Hương Sơn vào cuối tháng 9 gây ách tắc giao thông.

Theo rà soát của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 2.039 hộ dân với 7.127 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng về sạt lở, tập trung nhiều ở các địa phương như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, huyện Kỳ Anh, Can Lộc...

Trong các mùa mưa lũ những năm trước, trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đã xảy ra khá nhiều vụ sạt lở đồi núi, ảnh hưởng tới các tuyến giao thông, khu dân cư. Dù chưa gây thiệt hại về tính mạng, tài sản nhưng hậu quả sẽ vô cùng khó lường nếu chủ quan trước loại hình thiên tai này.

Hà Tĩnh sẵn sàng sơ tán người dân trước nguy cơ sạt lở

Trong khi đất đai đã ngấm no nước thì việc mưa lớn kéo dài gây nguy cơ xảy ra sạt lở ở Hà Tĩnh.

Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Trần Đức Thịnh cho hay: Trước dự báo mưa lớn gây ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung triển khai một số nhiệm vụ ứng phó, trong đó tổ chức rà soát các hộ dân, nắm số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu.

Các địa phương phân công cán bộ theo dõi cụ thể các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, chủ động triển khai các phương án ứng phó phù hợp, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Chủ đề Lũ lụt Hà Tĩnh

Đọc thêm

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.
Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ và Nhân dân xã Sơn Giang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã, đang chung sức, đồng lòng “vẽ” nên bức tranh nông thôn mới đa sắc, kinh tế phát triển, làng quê bình yên...
Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Căn cứ theo các quy định, xét đề nghị của Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh và Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh.