Chị Nguyễn Thị Hoài Thu – Phó trưởng phòng quản lý Chất lượng - Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết: Bắt đầu từ năm 2017, Hà Tĩnh chọn là năm cao điểm hành động chất lượng, an toàn thực phẩm trong nông nghiệp.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ngành liên quan, địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả lượng lẫn chất. Theo đó, tỷ lệ các cơ sở không đảm bảo điều kiện giảm nhiều so với năm 2016 (từ 9,4% xuống còn 5,3%).
Nhiều cơ sở kinh doanh VTNN, thuốc thú y thực hiện nghiêm túc các quy định
Những tháng đầu năm 2018, công tác kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được tăng cường. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cùng các địa phương tiến hành kiểm tra 1.425 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN) và 531 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản (NLTS).
Trên cơ sở các tiêu chí về ATVSTP, có 573 cơ sở kinh doanh VTNN xếp loại A (chiếm 40,2%), 792 cơ sở đạt loại B (55,6%), và 58 cơ sở loại C (4,11%); các cơ sở kinh doanh NLTS loại A là 171 (35,8%); loại B có 321 cơ sở (60,5%), và 20 cơ sở loại C (3,77%). Qua đó, lực lượng chức năng đã yêu cầu các cơ sở đạt loại C nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, chấn chỉnh, khắc phục các tiêu chuẩn chưa đạt. Đặc biệt, với các cơ sở chỉ đạt loại C phải tạm ngừng hoạt động, kịp thời bổ sung những điểm chưa đạt.
Bằng nhiều giải pháp kiên quyết, các địa phương Đức Thọ, TX Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Tp. Hà Tĩnh... tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN, NLTS và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Lê Văn Bình cho hay: Nhờ siết chặt công tác quản lý, từ năm 2017 đến nay, các cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN và NLTS trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định. Hiện, trên địa bàn không có cơ sở nào bị xếp loại C. Đầu năm, thị xã cũng đã kiểm tra, phát hiện 2 cơ sở sản xuất giò chả, đậu phụ vi phạm, xử phạt hành chính gần 2 triệu đồng.
Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận gắn với truy xuất nguồn gốc
Ông Phan Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng NLTS (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Qua kiểm tra đánh giá cho thấy, ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và sản phẩm NLTS từng bước được nâng lên, đi vào nền nếp. Một số cơ sở sau khi kiểm tra đạt loại C đã khắc phục, sửa chữa các lỗi theo đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số cơ sở chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo VSATTP.
“Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa nên vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục siết chặt công tác quản lý, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ, phát triển thêm 9 mô hình chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm mang lại những sản phẩm nông nghiệp “sạch” cho người tiêu dùng” – Ông Dũng nhấn mạnh.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và thanh tra đột xuất đối với 740 cơ sở kinh doanh hàng hóa vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản. Theo đó, lấy 347 mẫu để kiểm tra các tiêu chí chất lượng về an toàn thực phẩm; phát hiện và xử phạt 40 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 290 triệu đồng. Trong đó, xử phạt 19 cơ sở vi phạm về sản xuất kinh doanh hàng hóa vật tư nông nghiệp và 21 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. |