Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì cuộc họp nghe báo cáo một số vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị định 67, Hà Tĩnh bước đầu đạt được mục tiêu hiện đại hóa tàu cá. Về chính sách tín dụng, UBND tỉnh đã phê duyệt 7 đợt với 21 đối tượng đăng ký đóng tàu vỏ thép có công suất từ 800 CV đến 1.100 CV (19 tàu khai thác và 2 tàu dịch vụ hậu cần) với tổng dự toán sơ bộ 323,225 tỷ đồng. Đến nay, có 11 tàu hoàn thành ra khơi sản xuất với tổng hợp đồng tín dụng là 162,619 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Đức Nhân: Một số ngư dân đề xuất chuyển đổi nghề đã đăng ký, tuy nhiên, việc chuyển đổi cần chi phí lớn do phải thay đổi thiết kế, ngư cụ đánh bắt.
Về chính sách bảo hiểm, năm 2015, có 10 tàu và 67 thuyền viên tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ, tủi ro đặc biệt. Năm 2016, có 16 tàu, 168 thuyền viên tham gia bảo hiểm. Đến hiện tại, chưa có phát sinh cho vay vốn lưu động; chưa có đối tượng xin đăng ký đóng mới tàu cá theo chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư, sửa chữa định kỳ.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Tĩnh Nguyễn Huy Tiến: Đề nghị các địa phương đánh giá chi tiết, hiệu quả kinh tế cụ thể của các tàu cá.
Hiện nay, chính sách hỗ trợ theo Nghị định 67 đã dừng. Thay vào đó, đã bổ sung chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu đóng mới tàu cá (vỏ thép, vỏ composite) có tổng công suất trên 800 CV theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP, tuy nhiên, việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân được xác định là do ngư dân Hà Tĩnh có thói quen sử dụng tàu gỗ truyền thống; đầu tư tàu vỏ thép đòi hỏi nguồn vốn lớn nhưng chính sách chỉ hỗ trợ 35% giá trị, kỹ thuật vận hành, khai thác đòi hỏi tay nghề cao trong khi ngư dân còn nghèo, chưa thể tiếp cận với việc khai thác trình độ cao; hạ tầng cảng cá, âu neo đậu tránh trú bão còn hạn chế…
Chủ tịch UBND xã Xuân Hội Trần Sông Hương: Xuân Hội có 6 chủ tàu được hưởng chính sách đóng mới tàu cá, các tàu hiện vẫn hoạt động bình thường song việc trả nợ, ý thức hợp tác của các chủ tàu rất kém.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các ngân hàng, thời gian gần đây, phần lớn các chủ tàu thiếu hợp tác trong việc trả nợ và khai báo doanh thu không chính xác. Thực trạng này đã gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện Nghị định 67 tại địa phương.
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần là do tâm lý chây ỳ trong trả nợ và ý thức thiếu hợp tác với ngân hàng, cơ quan chức năng của người dân.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng, qua báo cáo cho thấy việc triển khai thực hiện Nghị định 67 đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Qua theo dõi thực tế, các tàu cá hiện vẫn hoạt động bình thường (chỉ có 1 trường hợp nằm bờ) nhưng ý thức trả nợ của các chủ tàu còn thấp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh, cần có đánh giá sâu, khách quan để tìm ra giải pháp phù hợp. Do vậy, đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp với các ngân hàng, địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, đánh giá sâu hiệu quả hoạt động của các tàu vỏ thép. Bên cạnh đó, đánh giá rõ tiến độ trả nợ của các chủ tàu và phải làm rõ nguyên nhân chậm trễ trả nợ. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phù hợp tháo gỡ vướng mắc.
Đối vời tàu không có hoạt động khai thác, nếu các chủ tàu có nguyện vọng chuyển đổi nghề thì xem xét phương án tạo điều kiện để thực hiện chuyển đổi, tuy nhiên trên tinh thần tự lực tài chính của chủ tàu.
Ngoài ra, đề nghị ngư dân được tiếp cận chính sách chủ động nắm bắt khoa học kỹ thuật, vận hành khai thác tàu cá có hiệu quả và có ý thức hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ để chính sách thực sự có hiệu quả.