Nhiều tàu cá mất kết nối VMS
Theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) và phải đảm bảo thiết bị hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu rời cảng đến khi cập cảng.
Bằng việc thực hiện nhiều giải pháp, đến nay, toàn tỉnh đã có 94/98 tàu cá có chiều dài trên 15m lắp đặt thiết bị VMS; 4 tàu hiện hư hỏng, nằm bờ không hoạt động khai thác hải sản trên biển, các chủ tàu cá đã có cam kết bằng văn bản sẽ lắp đặt thiết bị VMS trước khi hoạt động trở lại.
Thông tin tàu cá mất kết nối thiết bị VMS được báo lên hệ thống giám sát tàu cá quốc gia.
Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng mất kết nối của thiết bị VMS tàu cá khi hoạt động trên biển vẫn diễn ra tương đối phổ biến, tập trung ở các địa phương như Nghi Xuân, Lộc Hà, TX Kỳ Anh… Chỉ tính riêng trong tháng 4, 5, toàn tỉnh có hơn 50 lượt tàu cá mất kết nối VMS.
Qua theo dõi của Trạm bờ và hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản, tàu cá của ngư dân Trần Xuân Sinh mang số hiệu HT.96709 (thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà) thường xuyên mất kết nối VSM. Khi tiến hành trao đổi để xử lý, chủ tàu viện đủ lý do như: thiết bị của nhà cung cấp tín hiệu hoạt động kém, không có điện để duy trì trên biển, đi vào vùng nhiễu động sóng nên mất kết nối... Điều này đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng, đơn vị liên quan khi theo dõi, điều tra.
Chi cục Thủy sản thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động trên biển của tàu cá Hà Tĩnh.
Nhiều lần bị nhắc nhở, lập biên bản làm việc và thông báo cho Chi cục Thủy sản và Sở NN&PTNT nhưng tàu cá của ngư dân Nguyễn Lưu Truyền mang số hiệu HT.96716 (xã Xuân Hội, Nghi Xuân) vẫn không duy trì liên tục kết nối thiết bị VSM trên biển; không sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác để báo cáo vị trí tàu cá về trung tâm giám sát tàu cá ở Trung ương và 28 tỉnh, thành phố, ven biển 6 giờ/lần khi tàu mất kết nối VMS. Hiện nay, vì nhiều lý do, không thể xác định được nguyên nhân mất kết nối nên rất khó để xác định được chủ thể chịu trách nhiệm và hình thức xử lý vi phạm phù hợp.
Cùng với đó, qua theo dõi thiết bị VMS, một số tàu cá của tỉnh ta hay hoạt động gần đường ranh giới cho phép khai thác thủy sản. Chi cục Thủy sản tỉnh đã tiến hành nhắc nhở liên tục, thông tin bằng nhiều phương tiện để thuyền trưởng, chủ tàu chú ý quan sát và đưa tàu quay trở lại vùng biển được quyền khai thác.
Hình ảnh một tàu cá của tỉnh ta hoạt động gần đường ranh giới cho phép khai thác thủy sản được ghi lại trên thiết bị VMS.
Phối hợp xử lý
Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1128/QĐ-UBND ngày 22/5/2023 về việc ban hành “Quy chế phối hợp quản lý, khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”, Quyết định số 1147/QĐ-UBND ngày 25/5/2023 về việc ban hành “Quy trình xử lý dữ liệu giám sát hành trình tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên mất kết nối, vượt ranh giới cho phép trong quá trình hoạt động trên biển”. Sở NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 244/QĐ-SNN ngày 14/4/2023 về việc ban hành “Quy trình lắp đặt, tháo gỡ, thay thế thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá”.
Theo ông Nguyễn Tông Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, việc ban hành quy chế và quy trình xử lý sẽ phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan; bước cần tiến hành xử lý khi tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên mất kết nối thiết bị VMS, vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển. Theo đó, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với Chi cục Thủy sản, UBND các huyện, thị xã ven biển, BQL các Cảng cá, bến cá Hà Tĩnh xác minh, xử lý tàu cá mất tín hiệu kết nối và vượt ranh giới vùng biển cho phép.
BĐBP Hà Tĩnh phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm soát thực hiện quy định về thiết bị giám sát hành trình.
“Điều này cũng tạo điều kiện để xử lý dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình chuẩn xác hơn, lấy đó làm căn cứ xử phạt theo đúng quy định; ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá Hà Tĩnh mất tín hiệu kết nối, vượt ranh giới cho phép trong quá trình hoạt động trên biển để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU)” - ông Thắng chia sẻ thêm.
BQL các cảng cá, bến cá, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tiếp tục bố trí nhân lực tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục; theo dõi, giám sát 24/7, 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.
Lực lượng chức năng triển khai theo dõi, giám sát 24/7 tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.
Cùng với đó, Chi cục Thủy sản đang phối hợp với 11 tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa xây dựng dự thảo quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá của tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận đăng ký tàu cá tại tỉnh khác.