Hà Tĩnh triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

(Baohatinh.vn) - Triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng được ngành LĐ-TB&XH tập trung thực hiện. Cùng nghe ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh chia sẻ về kết quả đó.

Hà Tĩnh triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

Ông Nguyễn Trí Lạc - GĐ Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh.

P.V: Năm 2023, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,6-0,7% và cụ thể hóa cơ chế chính sách an sinh xã hội (ASXH). Xin ông cho biết việc thực hiện mục tiêu này như thế nào?

Ông Nguyễn Trí Lạc: Trong năm 2023, cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, ngành LĐ-TB&XH đã quyết tâm cao, nỗ lực triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, nhất là chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, các chính sách đảm bảo ASXH trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã có 14.527 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với tổng kinh phí hơn 9,9 tỷ đồng; 486.463 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ mua thẻ BHYT, với tổng kinh phí hơn 221 tỷ đồng.

Hà Tĩnh triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

Nhà văn hóa cộng đồng mang đến luồng sinh khí mới cho các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh.

Hà Tĩnh đã huy động hỗ trợ xây dựng 25 nhà văn hóa cộng đồng và hỗ trợ xây dựng mới hơn 2.533 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ bị thiệt hại do thiên tai, (100% kinh phí từ nguồn xã hội hóa của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm); hỗ trợ thu nhập cho hơn 26.000 lượt thành viên hộ nghèo, người có công với cách mạng, hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị quyết số 72/2022/HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách giảm nghèo và đảm bảo ASXH trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng.

Hà Tĩnh triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

Lãnh đạo địa phương và Công an huyện Cẩm Xuyên trao nhà tình nghĩa từ nguồn kêu gọi hỗ trợ của Bộ Công an cho gia đình ông Nguyễn Đình Nhân, ở thôn 3, xã Cẩm Minh.

Từ nguồn kinh phí hơn 100 tỷ đồng (bao gồm nguồn năm 2022 chưa giải ngân chuyển sang và nguồn bố trí năm 2023) của Trung ương và tỉnh, các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều dự án, tiểu dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Các dự án, tiểu dự án phát huy hiệu quả, tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Hà Tĩnh triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn, chính quyền các xã và người dân tại lễ nhận bàn giao dê giống.

Kết quả cuối năm 2023, toàn tỉnh có 11.572 hộ nghèo (giảm 2.955 hộ), chiếm tỷ lệ 3,01% (giảm 0,78%); có 12.947 hộ cận nghèo (giảm 2.539 hộ), chiếm tỷ lệ 3,37% (giảm 0,67%) so với cuối năm 2022.

P.V: Thưa ông, những nguyên nhân và điều kiện nào đã tạo nên kết quả trong công tác giảm nghèo, đảm bảo ASXH trong năm 2023?

Ông Nguyễn Trí Lạc: Thời gian qua, Hà Tĩnh đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, rà soát, đánh giá, phân tích kỹ nguyên nhân nghèo của từng hộ để có các giải pháp tác động phù hợp nhằm giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản như: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin...

Hà Tĩnh triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

Gia đình chị Trần Thị Lưu Liên (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân) được Ngân hàng CSXH huyện Nghi Xuân cho vay vốn HSSV nuôi 3 con ăn học.

Các cấp, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả bằng các chính sách về giảm nghèo gắn với phát triển KT-XH, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người dân; các chính sách về hỗ trợ BHYT, tiền điện, hỗ trợ giáo dục, nhà ở, vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội...

Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh triển khai 20-30 mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo; mỗi mô hình từ 100-200 triệu đồng, hỗ trợ cho 15-20 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Các mô hình chủ yếu hỗ trợ giống, thức ăn, chuồng trại chăn nuôi gà, bò, nuôi ong lấy mật, trồng cam, ổi... ở các huyện: Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn...

Hà Tĩnh cũng đã triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo đặc thù của địa phương phù hợp với thực trạng hộ nghèo trên địa bàn như: Đối với nhóm hộ nghèo có khả năng lao động, tập trung hỗ trợ sinh kế, dạy nghề, giải quyết việc làm thông qua hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Đối với nhóm hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, ưu tiên tập trung hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, hỗ trợ thu nhập hằng tháng.

Đồng thời, đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xã hội hóa và thực hiện chương trình hỗ trợ xây nhà ở cho người có công với cách mạng, nhà ở hộ nghèo, nhà ở vượt lũ vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt.

Hà Tĩnh triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Thạch Hà dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Cụ thể hóa cơ chế, chính sách ASXH, Hà Tĩnh cũng thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện hiệu quả các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế; tăng cường trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng. Huy động nguồn lực xã hội, phát triển các hình thức trợ giúp dựa vào cộng đồng để tạo điều kiện, cơ hội cho các đối tượng yếu thế vượt qua hoàn cảnh, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

P.V: Đâu sẽ là giải pháp trọng tâm trong triển khai công tác giảm nghèo, đảm bảo ASXH thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Trí Lạc: Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, ngành tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo để toàn thể người dân biết và phối hợp thực hiện. Đổi mới, nâng cao chất lượng phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các cơ chế, chính sách, chương trình mục tiêu về giảm nghèo, phân tích, đánh giá kỹ nguyên nhân nghèo của từng hộ đồng thời thực hiện nhóm giải pháp cụ thể như: Một là, tăng cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động.

Hai là, mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia hệ thống chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro, ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già...

Ba là, hệ thống chính sách trợ giúp xã hội không ngừng được mở rộng, bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng đặc thù như người già, người khuyết tật, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi và hỗ trợ đột xuất cho người dân gặp các rủi ro, thiên tai.

Bốn là, tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội cơ bản: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin. Đặc biệt, tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 39-CT/TU ngày 06/12/2023 của BTV Tỉnh ủy về tổ chức chăm lo tết Nguyên đán 2024, trong đó tập trung thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, tặng quà đối tượng và gia đình chính sách, chăm sóc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng...; thực hiện chúc thọ, mừng thọ, thăm hỏi, tặng quà người cao tuổi, hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa...

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chương trình xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ và xây dựng nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị ảnh hưởng của thiên tai bằng nguồn lực xã hội hóa theo Quyết định số 22-QĐ/TU của BTV Tỉnh ủy; huy động người dân cùng góp vốn, ngày công để thực hiện các dự án, mô hình giảm nghèo bền vững nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm của người dân khi tham gia thực hiện chương trình. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ hộ nghèo người có công, hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, hộ nghèo đơn thân theo Nghị quyết số 72/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Chủ đề An sinh xã hội

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.