Những di vật khai quật được tại di tích nhà thờ Trần Tịnh hé lộ vai trò của Văn Lý hầu Trần Tịnh trong mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII
Trần Tịnh, người thôn Mật, xã Nguyệt Áo, huyện La Sơn (nay là thôn Luỹ, xã Kim Lộc), làm quan dưới 3 triều vua Anh Tông, Thế Tông, Kính Tông thời Lê Trung Hưng. Năm 1563, ông nhậm chức Chưởng bạ trước Văn lý tử.
Trải qua nhiều lần được thăng chức, chức vụ lớn nhất mà ông đảm nhiệm là Tổng Thái giám chưởng cung môn thừa chế tước Văn Lý hầu (được thăng năm 1605), phụ trách ngoại thương với người nước ngoài trong đó có Nhật Bản.
Ngày 22/8, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản phối hợp với Bảo tàng Hà Tĩnh mở hố khai quật tại vườn nhà cụ của Trần Tịnh (thôn Luỹ, Kim Lộc, Can Lộc)
Nhiều sử sách cho rằng, ông là người có công lớn trong hoạt động ngoại thương cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Đây cũng là thời kỳ hoạt động ngoại thương giữa các nước phương Tây và phương Đông tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á phát triển mạnh.
PGS. TS Đặng Hồng Sơn - Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH & NV (ĐHQG Hà Nội): Kết quả khai quật lần này không chỉ giúp chúng tôi có cái nhìn đầy đủ hơn về nhân vật Trần Tịnh mà còn giúp chúng tôi nhìn nhận rõ hơn về vùng văn hoá ven sông Lam để tiếp tục khảo sát, nghiên cứu
Các nhà khoa học đã mở một hố khai quật rộng 4m2 tại vườn nhà cũ của Văn Lý hầu Trần Tịnh (thôn Lũy, xã Kim Lộc) nhằm tìm hiểu địa tầng, tầng văn hóa và các di vật, trong đó có vai trò quan trọng của gốm sứ.
Mặc dù, tại hố khai quật không tập trung nhiều mảnh vỡ vật liệu kiến trúc và gốm sành như các khu vực thương cảng nhưng những di vật gốm sứ có niên đại kéo dài từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII của Việt Nam và Trung Quốc khai quật được cho thấy mức độ tập trung dân cư đáng kể trong làng.
Tiến sĩ Yuriko Kikuchi – Viện Nghiên cứu Văn hoá con người thuộc Bộ Văn hoá dân gian Nhật Bản: Hy vọng, những kết quả nghiên cứu lần này sẽ làm sáng tỏ hơn mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lịch sử, từ đó nâng tầm quan hệ Việt Nam và Nhật Bản hiện nay.
Những di vật này cũng cho thấy sự gắn kết giữa nhân vật Trần Tịnh đối với nhân dân khu vực này. Trong đó, nhiều di vật cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII cho thấy, rất có thể Trần Tịnh còn có vai trò to lớn trong sự hình thành nên ngôi làng này.
Ông Trần Đình Chiến - đại diện dòng họ, chủ sở hữu di tích nhà thờ Trần Tịnh: Kết quả khai quật lần này giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về những đóng góp của cụ tổ trong quá trình phát triển của đất nước
Cùng với nhiều tài liệu khoa học lịch sử liên quan, kết quả khai quật lần này cũng là tiền đề để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, chứng minh một thời kỳ hoạt động ngoại thương nhộn nhịp trên sông Lam, đồng thời góp phần khẳng định vai trò của Tổng Thái giám Văn Lý hầu Trần Tịnh đối với quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lịch sử.