Gạo Ngọc Mầm của Công ty TNHH KC Hà Tĩnh (Thạch Hà) sẽ có mặt tại Hội chợ sản phẩm OCOP và đặc sản Hà Tĩnh năm 2022.
Với số lượng đăng ký 10 gian hàng tại Hội chợ sản phẩm OCOP và đặc sản Hà Tĩnh năm 2022, Thạch Hà là địa phương có số lượng gian hàng nhiều nhất. Đợt này, Thạch Hà có 14 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ đưa sản phẩm tham gia hội chợ.
Anh Nguyễn Xuân Thắng - Chuyên viên Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thạch Hà cho biết: “Cuối tháng 12/2021, khi có kế hoạch của UBND tỉnh về tổ chức Hội chợ sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh, chúng tôi đã rà soát, gọi điện từng cơ sở để mời tham gia chương trình, sau đó tổng hợp số lượng và đăng ký 10 gian hàng gửi Sở Công thương. Để các cơ sở nắm bắt những quy định khi tham gia hội chợ, chúng tôi lập nhóm Zalo để quán triệt thông tin liên quan đến hội chợ và đôn đốc các cơ sở chuẩn bị kỹ lưỡng. Cùng đó, địa phương cũng đã khâu nối với đơn vị quảng cáo để chuẩn bị trang trí gian hàng đảm bảo thời gian tổ chức sự kiện”.
Cán bộ phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thạch Hà rà soát lại thông tin cơ sở tham gia hội chợ.
Hội chợ OCOP và đặc sản năm 2022, huyện Lộc Hà sẽ có 6 gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của 7 cơ sở sản xuất trên địa bàn như: bánh vừng, nước mắm, hải sản khô, dầu lạc…
Là 1 trong 7 cơ sở của huyện Lộc Hà tham gia hội chợ, những ngày qua, cơ sở sản xuất bánh Tâm Anh (xã Ích Hậu) đã tăng công suất sản xuất bánh vừa đáp ứng hàng tết, vừa chuẩn bị sản phẩm mang đến hội chợ.
Anh Phan Văn Đô – chủ cơ sở sản xuất bánh Tâm Anh chia sẻ: “Tại Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh năm 2020, sản phẩm bánh Tâm Anh được nhiều người lựa chọn, trung bình doanh thu tại lễ hội đạt 20 triệu đồng/ngày. Bởi vậy, chúng tôi rất hào hứng tham gia và chuẩn bị kỹ lưỡng cho hội chợ năm nay. Chúng tôi dự kiến sẽ mang đến hội chợ hơn 4.000 hộp bánh các loại như: quy bơ, quy vừng, bông lan, bông nhài. Ngoài ra, cơ sở cũng sẽ làm sẵn những giỏ quà với mức giá từ 200 – 400.000 đồng để phục vụ người tiêu dùng có nhu cầu mua giỏ quà tết”.
Cơ sở bánh Tâm Anh sẽ mang đến hội chợ các loại bánh như: quy bơ, quy vừng, bông lan, bông nhài.
Ông Phan Bá Ninh – Phó Chánh văn phòng Nông thôn mới huyện Lộc Hà cho biết: “Đến trước ngày các cơ sở mang sản phẩm đến hội chợ, chúng tôi sẽ phổ biến thông tin về cơ chế, chính sách của huyện hỗ trợ các cơ sở tham gia hội chợ, thông tin về quy định về đảm bảo phòng dịch COVID-19, giờ giấc mở gian hàng… để các cơ sở nắm rõ. Hội chợ là cơ hội lớn để quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm của địa phương, chúng tôi hy vọng thời tiết thuận lợi để thu hút nhiều người dân đến tham quan, mua sắm”.
Đại diện Văn phòng Nông thôn mới huyện Lộc Hà kiểm tra sản xuất tại cơ sở bánh Tâm Anh để chuẩn bị đưa sản phẩm đến hội chợ.
Không chỉ huyện Thạch Hà, Lộc Hà, thời điểm này, 11 địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh cũng đã sẵn sàng để mang sản phẩm đến hội chợ.
Ông Nguyễn Trọng Thể - Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đức Thọ thông tin: “Theo kế hoạch, sáng 21/1, huyện cùng các cơ sở sẽ mang sản phẩm đến tại khu vực Trung tâm thương mại Vincom (TP Hà Tĩnh) – nơi diễn ra hội chợ để trang trí gian hàng, trưng bày sản phẩm. Đến với Hội chợ sản phẩm OCOP và đặc sản Hà Tĩnh năm 2022 tới đây, người dân, du khách sẽ được tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc trưng của Đức Thọ như: bánh gai, dầu lạc, kẹo cu đơ, trà gạo lứt, bánh đa vừng, cam, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, bàn ghế gỗ…”.
Huyện Đức Thọ sẽ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm: bánh gai, dầu lạc, kẹo cu đơ, trà gạo lứt, bánh đa vừng, cam...
Cùng với 13 huyện, thị, thành phố, các đơn vị như: Văn phòng Nông thôn mới tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn, Sở KH&CN, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng sẽ tham gia các gian hàng tại hội chợ năm nay.
Ông Biện Văn Quảng – Trưởng phòng Dịch vụ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Hội Nông dân tỉnh sẽ tham gia 2 gian hàng tại hội chợ với nhiều mặt hàng là sản phẩm OCOP của các cơ sở sản xuất trên toàn tỉnh. Đợt này, vừa tham gia hội chợ, vừa phục vụ tết, lượng hàng hóa của đơn vị nhập vào tăng gấp đôi ngày thường. Trong ngày 20/1, chúng tôi sẽ rà soát lại mẫu mã, chất lượng sản phẩm để đóng hàng mang đến hội chợ”.
Bánh đa vừng Nguyên Lâm là một trong những đặc sản của huyện Kỳ Anh sẽ được bày bán tại hội chợ.
Được biết, cùng với trưng bày và bán các sản phẩm, trong khuôn khổ chương trình, hội chợ còn tạo điểm nhấn với các hoạt động như: ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm, tổ chức bình chọn và khen thưởng các tổ chức, cá nhân có gian hàng đẹp, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, trò chơi dân gian...
Ông Nguyễn Mạnh Tường – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) Hà Tĩnh cho biết: Sau khi có kế hoạch của UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương đã kịp thời triển khai, tổng hợp số lượng gian hàng đăng ký tham gia và gửi về Sở Công thương. Theo số lượng đăng ký, hội chợ sẽ có hơn 100 gian hàng. Hiện nay, công tác chuẩn bị, kịch bản các hoạt động lễ hội đã cơ bản sẵn sàng. Đơn vị tổ chức sự kiện cũng đang tiến hành dựng khung rạp cho gian hàng để chuẩn bị cho ngày khai mạc.
Dự kiến, hội chợ sẽ khai mạc vào chiều tối 21/1 và kéo dài đến ngày 25/1/2022. Lễ khai mạc hội chợ sẽ được truyền hình trực tiếp từ điểm cầu Vincom Hà Tĩnh qua phần mềm Zoom tới 500 điểm truy cập. |