Tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện Hương Khê hiện có khoảng 35.811 con
Trong vụ đông và đông muộn – xuân sớm, toàn huyện Hương Khê trồng khoảng 2.000 ha ngô, trong đó, cây ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ lệ cao hơn cả với khoảng hơn 700 ha (diện tích còn lại là ngô lấy bắp và ngô lấy hạt). Nhờ nguồn thức ăn xanh dồi dào từ ngô sinh khối và cỏ trồng nên đàn trâu, bò trên địa bàn huyện trong thời gian qua phát triển tốt. Những ngày gần đây, dù thời tiết rét đậm, rét hại nhưng đàn gia súc không ghi nhận tình trạng đói, rét.
Là một trong những địa phương có thế mạnh phát triển chăn nuôi, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê hiện có hơn 1.000 con trâu, bò. Chủ tịch UBND xã Hương Vĩnh Trần Văn Thị chia sẻ, khoảng 5-10 năm về trước, do không chủ động được nguồn thức ăn và tập quán thả rông nên đến mùa đông, hầu như năm nào cũng có hiện tượng trâu, bò chết vì đói, rét. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhờ chủ động nguồn thức ăn và thực hiện tốt các biện pháp chống rét nên tình trạng này đã không còn. Đặc biệt, vụ đông năm nay, toàn xã gieo trỉa 170 ha ngô (vượt kế hoạch 20ha) nên tạo nguồn thức ăn xanh giúp đàn trâu, bò phát triển tốt kể cả trong đợt rét đậm, rét hại này.
Nhờ cây ngô, đàn trâu của gia đình anh Phan Hồng Lĩnh không lo bị đói.
Anh Phan Hồng Lĩnh, người dân thôn Vĩnh Hương, xã Hương Vĩnh cho biết: “Bây giờ chúng tôi dựng chuồng trại kiên cố, lại chủ động nguồn thức ăn nên dù trời rét kéo dài thì đàn trâu 6 con của gia đình vẫn phát triển tốt.
Đó không phải là tâm lý chủ quan mà chúng tôi đã có kinh nghiệm và chủ động trong chăm sóc vật nuôi. Nhờ diện tích ngô lớn nên gia súc được cho ăn đầy đủ, ban đêm, chúng tôi còn lấy thêm bạt để che chắn gió, trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, đàn trâu được nhốt trong chuồng, không chăn, thả ra đồng”.
Anh Lĩnh và người chăn nuôi ở Hương Khê cũng chủ động che chắn chuồng trại trong những ngày rét đậm, rét hại.
Vừa mới mua 10 con bò giống nái ngoại Zebu cách đây không lâu nên ông Phan Công Linh (thôn Tây Trà, xã Hương Trà) lo lắng hơn khi nhiệt độ những ngày qua xuống thấp. Ông Linh chia sẻ, mặc dù chuồng trại đã được che chắn kín nhưng do giống bò ngoại nên có thể sức chống chọi với thời tiết kém hơn so với giống bản địa.
Do đó, chúng tôi đã dự trữ hàng trăm kg cây ngô sinh khối và ủ chua, làm thức ăn thô xanh để đàn bò không bị đói và có sức khoẻ tốt nhất trong thời tiết lạnh giá. Những ngày tới, gia đình sẽ tiếp tục theo dõi tin tức thời tiết, nếu nhiệt độ xuống thấp hơn thì triển khai thêm các biện pháp sưởi ấm như đốt lửa, sử dụng bóng đèn.
Nhờ chủ động nguồn thức ăn, đàn trâu bò ở Hương Khê vẫn phát triển tốt trong điều kiện thời tiết giá rét.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết: Tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện hiện có khoảng 35.811 con, đàn hươu có 1.073 con. Trong những năm gần đây, xác định vụ đông là một trong những vụ sản xuất chính trong năm, người dân địa phương cũng có xu hướng tăng diện tích sản xuất ngô để phát triển chăn nuôi. Năm 2021, huyện Hương Khê đã ban hành chính sách hỗ trợ hỗ trợ giống sản xuất ngô vụ đông với 1.895ha. Bên cạnh đó, xây dựng 164 mô hình chế biến thức ăn chăn nuôi từ cây ngô sinh khối bằng phương pháp ủ chua nhằm tạo nguồn thức ăn ổn định cho đàn gia súc.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT, huyện Hương Khê thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét trên đàn vật nuôi.
Những ngày qua, khi nhiệt độ xuống thấp, UBND huyện đã khuyến cáo bà con không thả rông trâu bò; không sử dụng trâu, bò làm sức kéo trong những ngày rét đậm, rét hại; chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc, đặc biệt là thức ăn tinh bột, cho uống nước muối loãng…
Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy Hương Khê cũng yêu cầu người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vật nuôi bị đói, rét do nguyên nhân chủ quan, lơ là hoặc chỉ đạo chưa nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, cây trồng vụ xuân.