Xã Hà Linh kiểm tra các phương tiện trước mùa mưa lũ
Hà Linh là một trong những xã chịu nhiều tác động của thiên tai, bão lũ. Do địa hình thấp trũng nên khi xảy ra mưa lũ gây ngập úng cục bộ, làm thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân nơi đây. Bởi vậy, chuẩn bị công tác “4 tại chỗ” được xem là phương án tối ưu nhất để chủ động xử lý, kịp thời khắc phục sự cố do mưa lũ gây ra.
Chủ tịch UBND xã Hà Linh Lê Xuân Phú cho biết: Đối với phương án “4 tại chỗ” thì việc chủ động nhân lực, vật lực và phương tiện, lương thực là hết sức quan trọng, cần thiết. Hiện tại, xã đã ký hợp đồng với các chủ phương tiện 3 xe tải, 1 xe khách và 2 máy đào để huy động khi cần thiết. Ngoài ra, địa phương dự trữ 400 thùng mì tôm, 1.000 kg gạo và 50 thùng nước uống... kịp thời cứu hộ cứu nạn.
Thực hiện phương châm "4 tại chỗ", các địa phương của huyện Hương Khê đã ký hợp đồng dự trữ lương thực để ứng cứu kịp thời khi cần thiết
Toàn xã Phương Điền có khoảng 30 hộ dân ở thôn 1 có nguy cơ ngập lụt. Hiện địa phương đã chủ động phương án di dời dân đến nơi an toàn trong mùa mưa lũ. Ngoài ra, Phương Điền có hệ thống đường giao thông thấp trũng nên chỉ một trận mưa rất dễ bị chia cắt. Bởi vậy, xã đã bố trí các phương tiện như thuyền, ca nô để vận chuyển lực lượng, vật tư khi cần thiết để ứng cứu.
Theo ông Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch UBND xã Phương Điền, hầu hết người dân ở đây đã xây dựng nhà chống lũ, dự trữ lượng thực, thực phẩm đầy đủ phục vụ gia đình đủ dùng từ 3 – 5 ngày khi bị ngập lụt...
Hầu hết các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Hương Khê đều chủ động xây dựng phương án phòng chống. Mặc dù năm 2018, mưa lũ ít xảy ra, nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là trước dự báo thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Đảm bảo toàn toàn cho người và phương tiện tại một số cầu dân sinh đang xuống cấp là phương án được huyện Hương Khê ưu tiên đặt ra trong mùa mưa lũ
Ông Lê Quang Vinh – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho hay: Bắt đầu từ tháng 4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) của huyện đã thành lập đoàn, kiểm tra tại các địa phương. Hiện nay, các xã đã kiện toàn lại ban chỉ huy PCTT - TKCN theo quy định, đồng thời, tổ chức ký hợp đồng về vật tư, phương tiện để phục vụ cho công tác "4 tại chỗ” từ hộ gia đình đến cấp thôn xóm, xã cụ thể, sát thực.
Năm nay do hạn hán kéo dài, trong đó một số địa phương có độ dốc lớn nên mối lo về sạt lở bờ sông ở các xã Hương Xuân, Lộc Yên và Hương Thủy... luôn hiện hữu. Bên cạnh đó, nguy cơ ngập lụt, lũ quét ở những vùng như Hòa Hải, Hương Trạch và một số cầu dân sinh chưa đảm bảo đang là bài toán nan giải trước mùa mưa lũ...
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu trước cơn bão số 4 dự báo đổ bộ vào Hà Tĩnh
"Nắm chắc các điểm xung yếu, các vùng trọng điểm, trước mắt huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; củng cố, nâng cao năng lực và chất lượng hệ thống cảnh báo, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành phòng chống sét, lốc xoáy, lũ quét, sạt lở đất có hiệu quả.
Đặc biệt, trước dự báo bão số 4 ảnh hưởng trực tiếp vào tỉnh ta, huyện đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu và các loại cây ăn quả trên địa bàn để đảm bảo an toàn về sản lượng" - ông Vinh nhấn mạnh.