Họa sĩ Hồ Văn Tiệp (áo xanh) chia sẻ: Ngay cả các hoạ sĩ thực thụ hiện cũng khó kiếm sống được bằng tranh nghệ thuật trong khi đó, khách hàng lại chuộng dòng tranh thị trường
Tìm tới phòng tranh của họa sĩ Hồ Văn Tiệp trên đường Nguyễn Huy Tự, được biết: Năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học, anh không đi theo con đường sáng tác chuyên nghiệp mà quyết định mở một phòng tranh để mưu sinh. Ra đời 3 năm nay (2016), phòng tranh của anh được coi là một trong những địa điểm được người mua ưa thích ghé lại.
Các bức tranh về phong cảnh làng quê được khách hàng đặt vẽ nhiều nhất ở phòng tranh của anh Tiệp
Anh bảo: "Với những người được học hành bài bản, ai cũng muốn được thỏa thuê sáng tạo và ai cũng mơ có những tác phẩm nổi tiếng của riêng mình. Nhưng, ngay cả các hoạ sĩ thực thụ hiện cũng khó kiếm sống được bằng tranh nghệ thuật, trong khi đó, khách hàng lại chuộng dòng tranh thị trường vì giá thành rẻ và dễ hiểu”, anh Hiệp chia sẻ thêm.
Tại phòng tranh Song Hào trên đường Trần Phú (TP Hà Tĩnh), không khó để thấy được dòng tranh thị trường lấn át hầu như hoàn toàn gallery của chủ nhân sinh năm 1982.
Anh Nguyễn Song Hào hoàn thiện bức tranh khách vừa đặt vẽ theo yêu cầu
"Đặc thù hội họa giờ là thế. Hồi đầu mới mở gallery, chăm chỉ sáng tác dòng tranh nghệ thuật nhưng rồi cũng gác tủ hoặc mang tặng bạn bè. Sau 15 năm lăn lộn với nghề, muốn sống được với nghề này thì phải nắm bắt được thị hiếu người mua, mà thị hiếu giờ, khách hàng am tường nghệ thuật hội họa không nhiều. Vẽ như thế lâu dần sẽ quen tay, mà sự quen tay sẽ giết chết dần sáng tạo. Đó cũng là một trong những lý do mà ở những phòng tranh ở TP. Hà Tĩnh vắng bóng dần những bức tranh mang tính nghệ thuật cao” - họa sỹ Nguyễn Song Hào bày tỏ.
Những phòng tranh ở TP Hà Tĩnh tràn ngập dòng tranh thị trường
Họa sĩ Lê Anh Ngọc - Trưởng ban Mỹ thuật - Hội Liên hiệp văn hóa nghệ thuật Hà Tĩnh không ngần ngại chia sẻ: Thị hiếu của người mua tranh ở tỉnh ta vẫn thiên về tranh thị trường (tranh sao chép theo yêu cầu, tranh in ấn) hơn là tranh sáng tác.
Nếu những người có điều kiện cần một bức tranh để treo thì họ nghĩ ngay đến dòng tranh thị trường vì rẻ, dễ hiểu. Họ chỉ xem đó là những vật dụng để trang trí chứ chưa xem là một tác phẩm mỹ thuật. Vậy nên, điều rất dễ hiểu là những năm trở lại đây, dòng tranh thị trường ở TP. Hà Tĩnh bắt đầu sôi động lên, nhất là vào những dịp lễ, tết.
Hà Tĩnh đã chớm đông với những cơn mưa phùn rả rích. Nhìn những người thợ vẫn miệt mài với cây cọ vẽ trên tay, tôi hiểu, từ sâu thẳm họ vẫn luôn hy vọng, rồi sẽ có ngày, phòng tranh sẽ bày bán những tác phẩm nghệ thuật đích thực...