Ông Bùi Xuân Trường (SN 1972) đang sở hữu trang trại nuôi dê lai sinh sản giống Boer với 100 con, trên tổng diện tích gần 1000 m2. Ông chia sẻ: Sau nhiều năm làm nghề buôn keo, trồng rừng nhưng thu nhập bập bênh nên tôi luôn muốn tìm hướng đi mới để có cơ hội làm giàu bền vững trên vùng đồi núi này. Bao đêm trăn trở tôi đi đến quyết định đầu tư xây dựng trang trại nuôi dê sinh sản giống Boer. Đây là giống dê có nguồn gốc ở Nam Phi dễ chăm sóc, ít dịch bệnh.
Để chuẩn bị cho hành trình đầu tư nuôi dê, ông Trường đã tìm đến nhiều trang trại nuôi dê ở các tỉnh phía Bắc và một số địa phương khác tìm hiểu kỹ thuật và lựa chọn giống dê. Giữa năm 2021, ông bỏ ra 500 triệu đồng xây dựng chuồng trại đảm bảo cao ráo, thoáng mát và vệ sinh môi trường với quy mô có thể nuôi được 150 con.
Tháng 11/2021, ông một lần nữa “khăn gói” ra tỉnh Vĩnh Phúc mua 100 con dê giống Boer, trong đó 4 con đực và 96 con cái với tổng số vốn đầu tư hơn 500 triệu đồng. “Thời gian đầu, do thiếu kiến thức nên trong quá trình nuôi một số con bị mắc bệnh đường ruột, chữa trị không kịp thời bị chết” - ông Trường bày tỏ.
Đàn dê được ông nuôi theo hình thức bán chăn thả. Buổi sáng, đàn dê được chăm sóc trong chuồng, đến chiều thì vào bìa rừng ăn các loại cây cỏ dại. Tận dụng diện tích đất đồi, ông còn đầu tư trồng hơn 2 ha cỏ voi để làm thức ăn cho dê.
Số lượng đàn dê lớn, ông Trường phải thuê 2 nhân công hằng ngày chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. Nhờ ăn cỏ cây tự nhiên, đàn dê của ông lớn nhanh, khỏe mạnh, đến nay, đã có 70 con mang thai, một số con sinh nở.
Theo ông Trường, bên cạnh đặc tính chăm sóc, thuận lợi trong việc dọn dẹp vệ sinh chuồng trại thì chúng còn là con vật dễ nhân đàn. Dê Boer sinh sản trung bình 3 lứa trong 2 năm, mỗi lứa 1 - 4 con. Dê nuôi tầm 7 - 8 tháng thì đạt trọng lượng 30 - 35 kg, có thể xuất bán với giá khoảng 150 ngàn đồng/kg. So với giống dê cỏ tại địa phương, trọng lượng của mỗi con dê Boer ở thời điểm xuất bán tăng thêm 10 - 15 kg, nhờ vậy thu nhập tăng thêm 1,5 - 2,2 triệu đồng/con cho bà con nông dân.
Dẫn chúng tôi đi tham quan dãy chuồng nuôi, ông Trường cho biết thêm: Gần đây có nhiều người trong và ngoài huyện đến tham quan, khách hàng liên hệ đặt mua con giống nhưng tôi sẽ không bán vì đang cần giống để phủ kín quy mô trang trại lên 150 con dê nái.
Khi hỏi về thị trường tiêu thụ, ông Trường cho rằng đầu ra không phải bận tâm vì nhu cầu nguồn giống dê Boer ở trong huyện rất cao. Trong khi đó, UBND huyện đang có chính sách hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi giống dê mới chất lượng cao, cải thiện đàn dê “còi” của địa phương.
“Trong quá trình nuôi, tôi sẽ sàng lọc những con dê khỏe mạnh để nhân giống, tăng đàn. Những con không đảm bảo chất lượng sẽ tách ra nuôi vỗ béo bán thương phẩm, cung cấp cho các nhà hàng trong và ngoài huyện. Tôi tin vào hướng đi này sẽ mang lại hiệu quả cao và có tính bền vững lâu dài” – ông Trường cho hay.
Trang trại chăn nuôi dê Boer của ông Bùi Xuân Trường ở xã Kim Hoa là mô hình mới và hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây có lẽ là mô hình chăn nuôi dê lớn nhất tỉnh, trong tương lai sẽ cung cấp dê giống cho bà con nông dân trong và ngoài địa phương, góp phần cải tạo chất lượng đàn dê để phát triển chăn nuôi bền vững.