Với quy mô 2.500 con lợn nái, mỗi tháng, Công ty CP Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh (xã Phú Lộc – Can Lộc, thuộc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) sản xuất từ 4.000 – 4.500 con lợn giống. Vì khó xuất bán nên hiện nay, doanh nghiệp đang tồn đọng 4.000 con lợn giống.
Thị trường tiêu thụ hạn hẹp, các chủ trang trại lợn nái ở Hà Tĩnh đang đối mặt nguy cơ thiếu hạ tầng chăn nuôi.
Ông Mai Khắc Mại – Giám đốc CP Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh cho biết: “Với lượng lợn giống chưa bán được, doanh nghiệp phải chuyển về các cơ sở vệ tinh để nuôi lợn thịt trong khi đầu ra lợn thịt cũng gặp khó. Tính ra, trung bình mỗi con lợn thịt, doanh nghiệp phải chịu lỗ khoảng 1,2 triệu đồng chưa kể áp lực về hạ tầng nuôi hạn chế trong khi đàn lợn giống ùn ứ ngày càng tăng".
Cũng đang đối mặt với tình trạng không bán được con giống, thời điểm này, ông Nguyễn Tiến Sơn - chủ trang trại lợn ở xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) đang tập trung loại thải những con giống kém chất lượng. Mới đây, trang trại này đã bán 50 lợn nái già, giảm quy mô đàn nái xuống còn 600 con.
Không bán được con giống, trại lợn của anh Nguyễn Tiến Sơn phải giữ lại nuôi lợn thịt.
Ông Nguyễn Tiến Sơn cho biết: “Với 600 nái, mỗi tuần, cơ sở có thêm 300 con lợn giống. Ảnh hưởng dịch COVID-19, giá lợn hơi giảm sâu (32.000 đồng/kg, thấp nhất trong hơn 2 năm qua) trong khi giá thức ăn tăng cao nên nhu cầu mua lợn giống phục vụ sản xuất của người dân giảm mạnh. Cũng may, cơ sở có hệ thống chuồng quy mô 3.500 lợn thịt xây dựng trước đó nên đang có chuồng trại để nuôi lợn giống không bán được. Tuy nhiên, với giá lợn thịt thấp như hiện tại, cơ sở nuôi lợn thịt cũng phải chấp nhận chịu lỗ".
Trại lợn nái của ông Nguyễn Huy Thái sản xuất khoảng 800 con giống mỗi tháng.
Dù đã chủ động các giải pháp giảm đàn nái, tuy nhiên, trang trại lợn nái của Ông Nguyễn Huy Thái (xã Đức Lạng, Đức Thọ) cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Thái cho hay: “Với quy mô 400 con lợn nái, mỗi tháng, cơ sở sản xuất khoảng 800 con giống và giai đoạn này chỉ bán được tầm 150 - 200 con/tháng. Hiện nay, chúng tôi đang tồn đọng trên 2.000 con giống và nếu tới đây không bán được thì chẳng biết xoay xở thế nào. Chi phí thức ăn, phòng dịch, điện, nước, nhân công đã đành, cơ sở còn thiếu hạ tầng chăn nuôi”.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 39 trại nái quy mô 300 con trở lên với 44.000 con lợn nái. Nguyên nhân khiến các cơ sở tồn đọng lượng lớn con giống là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến giá lợn hơi đi xuống. Dịch bệnh nên nhu cầu thấp trong khi nguồn cung cao; đặc biệt, việc vận chuyển phức tạp, khó khăn cũng khiến thương lái “ngại” thu mua. Lợn thịt khó tiêu thụ, giá thấp thì người dân không mặn mà mua con giống tái đàn, tăng đàn là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, thời điểm này, giá lợn giống chỉ còn 500.000 – 700.000 đồng/con, thấp nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại đây. Với mức giá này, người chăn nuôi phải bù lỗ khoảng 1 triệu đồng/con cho chi phí sản xuất lợn giống.
Các cơ sở cần loại thải những con nái có năng suất thấp để giảm áp lực cho đàn.
Ông Lê Hà Giang – Phó Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Để giảm thiểu tình trạng dư thừa con giống, các cơ sở cần chủ động nắm bắt thị trường, tiếp thu nghiêm túc các khuyến cáo định kỳ của ngành chăn nuôi để có phương án tổ chức sản xuất phù hợp cung – cầu.
Trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở cần đánh giá lại chất lượng đàn nái, loại thải những con nái có năng suất thấp để giảm áp lực về tổng đàn. Tuy vậy, các cơ sở cũng cần bảo vệ đàn nái bằng cách cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh và về lâu dài cần tính đến việc đầu tư con nái chất lượng. Có như vậy, khi tín hiệu thị trường ấm lên mới không bị “đứt gãy” chuỗi sản xuất”.
Người chăn nuôi cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh cho đàn nái.
Liên quan đến lo ngại nguồn cung thịt lợn dịp tết Nguyên đán 2022 do người dân không tập trung tái đàn, tăng đàn, ông Lê Hà Giang cho rằng, với quy mô đàn lợn 383.000 con vẫn đủ để cung cấp cho thị trường dịp tết Nguyên đán 2022. Được biết, lợn hơi của Hà Tĩnh thời gian qua không chỉ cung cấp cho thị trường nội tỉnh mà còn phục vụ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Năm 2019, Hà Tĩnh cũng đã xảy ra “khủng hoảng thừa” con giống do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi. Thời điểm đó, các chủ cơ sở chăn nuôi lợn đã kiến nghị một số nội dung liên quan đến hỗ trợ khắc phục khó khăn, ổn định chăn nuôi như: có chính sách giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất đối với các khoản tiền vay nuôi lợn mà các trang trại đang nợ ngân hàng; cho phép các trại nái được đầu tư xây dựng chuồng nhằm giải quyết kịp thời việc tồn đọng lợn giống trong điều kiện đảm bảo các quy định liên quan... Trước kiến nghị này, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4791/UBND-NL ngày 19/7/2019 về việc kiểm tra, hướng dẫn xử lý kiến nghị của các cơ sở chăn nuôi lợn và một số kiến nghị đã được xem xét, giải quyết. Đối chiếu thực tiễn hiện nay, đây vẫn được xem là các giải pháp khả thi, giúp các cơ sở chăn nuôi lợn nái giảm bớt áp lực. |