Giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng liên tiếp từ đầu năm đến nay.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng “chóng mặt”
Anh Nguyễn Minh Tuấn – chủ đại lý cấp 1 thức ăn chăn nuôi Tuấn Nga (xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) cho biết: “Giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm như lợn, gà, vịt… đã tăng 4 lần liên tiếp từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi đợt tăng từ 5 - 7 nghìn đồng/bao (25 kg). Hiện nay, mức chênh lệch đã lên đến 20 - 25 nghìn đồng/bao tuỳ dòng sản phẩm so với thời điểm tháng 12/2020. Giá cao, buôn bán khó khăn nên tôi cũng nhập số lượng hàng ít hơn”.
Theo khảo sát, giá thức ăn chăn nuôi tổng hợp loại 25 kg cho lợn con đang dao động ở mức từ 400 – 500 nghìn đồng/bao, thức ăn cho lợn nái khoảng 250 - 280 nghìn đồng/bao, thức ăn cho lợn thịt có giá từ 260 - 330 nghìn đồng/bao, tuỳ thương hiệu và trọng lượng lợn sử dụng. Giá các loại thức ăn cho gà, vịt… ở mức từ 260 - 300 nghìn đồng/bao.
Giá đầu vào nguyên liệu tăng buộc các công ty sản xuất thức ăn phải tăng giá phân phối đến các đại lý.
Anh Hoàng Đình Trung - chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi Trung Huyền (xã Cổ Đạm, Nghi Xuân) cho hay: “Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm liên tục xuất hiện làm bà con hoang mang nên hoạt động kinh doanh đã cầm chừng trong một thời gian dài. Nay việc giá thức ăn tăng cao khiến việc buôn bán càng trở nên ảm đạm”.
Theo thông tin của các đại lý chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh, Việt Nam vẫn phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất. Hiện nay, các thị trường nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính là: Mỹ, Nam Mỹ, EU, Nga….
Hoạt động kinh doanh của nhiều cửa hàng thức ăn chăn nuôi tại Hà Tĩnh trở nên khó khăn.
Đây là khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến việc giao thương, hệ thống vận chuyển gặp nhiều khó khăn, đẩy giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó có khô dầu đậu tương, ngô, bột xương thịt… tăng cao. Các công ty sản xuất thức ăn buộc phải liên tục điều chỉnh giá bán về cho các địa lý cấp 1, cấp 2...
“Đội” chi phí, người chăn nuôi khó khăn
Giá thức ăn tăng dẫn đến chi phí chăn nuôi lên cao khiến người chăn nuôi tại Hà Tĩnh ngại đầu tư để tái đàn, mở rộng sản xuất.
Anh Trương Xuân Bính - Giám đốc HTX Minh Lộc (xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) cho biết: Hiện nay, với quy mô 1.000 con lợn thịt, hơn 300 lợn nái, mỗi ngày hệ thống trang trại của chúng tôi tiêu thụ hết 30 - 35 triệu đồng tiền thức ăn các loại.
Chi phí sản xuất của HTX Minh Lộc (xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) bị “đội” lên nhiều do giá thức ăn chăn nuôi tăng.
"Dù lấy thức ăn trực tiếp từ công ty nhưng giá tăng lên nhanh chóng cũng khiến chi phí sản xuất phải đội lên từ 10 - 15%, chưa kể các loại đi kèm như vắc-xin phòng ngừa bệnh, hoá chất vệ sinh, tiêu độc khử trùng, thuê nhân công phòng chống dịch… Trong khi đó, giá lợn hơi trên thị trường đang trên đà giảm xuống làm người chăn nuôi như chúng tôi càng lo lắng” - anh Bính chia sẻ thêm.
Thức ăn chăn nuôi đang chiếm phần lớn chi phí trong sản xuất của người dân.
Đó cũng là thực trạng chung của nhiều chủ gia trại, trang trại quy mô lớn khác trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Đình Hiến - Giám đốc HTX Chăn nuôi Tài Lực (xã Bình An, Lộc Hà) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn cho gà đã điều chỉnh tăng mấy lần và đang có giá từ 260 - 300 nghìn đồng/bao. Với mức giá như thế này, tôi không dám tái đàn quy mô lớn vì giá gà thương phẩm đang ở mức thấp, đầu ra khó khăn”.
Giá thức ăn gia súc, gia cầm tăng đang ảnh hưởng rất lớn đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ bởi các hộ này thường phải mua giá cao hơn qua các đại lý cấp 2, 3.
Nếu giá thức ăn tiếp tục tăng lên, nhiều người chăn nuôi tại Hà Tĩnh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Anh Trần Xuân Vượng (xã Xuân Lộc, Can Lộc) chia sẻ: “Hiện gia đình có 10 con lợn đến độ vỗ béo để xuất chuồng. Mua lợn giống giá đã cao (gần 3 triệu đồng/con - PV), nay thức ăn cũng tăng lên nên người chăn nuôi quy mô nhỏ như chúng tôi khó càng thêm khó. Nếu giá cám không “hạ nhiệt”, chắc đợt sau tôi sẽ nuôi ít đi vì giá lợn trên thị trường hiện nay đang biến động và có dấu hiệu giảm xuống”.
Thức ăn chăn nuôi chiếm phần lớn chi phí sản xuất của ngành. Giá thức ăn tăng kéo theo chi phí sản xuất đầu vào tăng, trong khi tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời điểm này còn nhiều phức tạp khiến người dân lo lắng, ngại đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến việc ổn định hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.