Các bị cáo nghe Hội đồng xét xử tuyên án tại phiên toàn sơ thẩm ngày 6/8. Ảnh: Thành Chung/TTXVN
Liên quan đến vụ án kinh tế tại Ngân hàng Xây dựng VNCB (nay là CB) giai đoạn 2, ngày 5/9, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Viện Kiểm sát không đồng tình về phần thu hồi tải sản đối với số tiền 4.500 tỷ đồng trong bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên thu hồi số tiền 4.500 tỷ đồng mà bị cáo Phạm Cộng Danh dùng để nâng vốn điều lệ cho VNCB vì ngân hàng này chưa thực hiện việc nâng vốn điều lệ hay hạch toán điều chỉnh đối với số tiền này nên phải hạch toán trả lại cho bị cáo Phạm Công Danh.
Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, số tiền 4.500 tỷ là bị cáo Phạm Công Danh có được là từ hành vi trái pháp luật, có nguồn gốc bất hợp pháp.
Hành vi này đã bị xử lý ở giai đoạn 1 của vụ án là 300 tỷ và trong giai đoạn 2 của vụ án này là 4.200 tỷ đồng. Ngoài ra, số tiền này ngoài việc hình thành từ các quan hệ tín dụng trái pháp luật còn hình thành trên cơ sở tài sản đảm bảo là 6 lô đất bị nâng khống giá trị lên nhiều lần; dùng tiền gửi của VNCB để bảo lãnh cho tiền vay trái pháp luật và rút tiền từ VNCB bằng các hồ sơ tín dụng trái pháp luật.
Bên cạnh đó, theo Viện Kiểm sát, trong vụ án này bị cáo Phạm Công Danh đã sử dụng hết số tiền 4.500 tỷ đồng nên bản án buộc thu hồi số tiền này từ Ngân hàng Xây dựng là không phù hợp, không có cơ sở pháp lý.
Cụ thể, khi Phạm Công Danh chuyển 4.500 tỷ đồng vào VNCB để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, bị cáo đã không trả lại cho các cổ đông mà giữ lại sử dụng hết. Khi Ngân hàng Nhà nước tiếp quản VNCB và đổi tên thành CB thì Ngân hàng này đang trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu, tổng nợ phải trả lớn hơn tổng tài sản. Như vậy Ngân hàng vừa gánh chịu toàn bộ số tiền mà Phạm Công Danh sử dụng, rồi lại phải trả lại 4.500 tỷ đồng là không phù hợp với quy định pháp luật.
Ngoài nội dung về 4.500 tỷ đồng nêu trên, quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát còn đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm theo hướng không áp dụng hình phạt án treo cho 4 bị cáo gồm Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh.
Về phía các bị cáo, sau thời hạn 15 ngày kể từ bản án sơ thẩm có hiệu lực, các bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank), Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) đã không kháng cáo, chấp nhận bản án lần lượt là 4 và 3 năm tù giam. Trong khi đó, Phạm Công Danh và Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) kháng cáo đề nghị thu hồi một số khoản tiền mà cấp sơ thẩm chưa xem xét. Nhiều bị cáo đồng phạm còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Về phía người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Ngân hàng BIDV kháng cáo không đồng ý trả lại cho Ngân hàng Xây dựng 1.176 tỷ đồng từ BIDV Sở Giao dịch II và 458 tỉ đồng từ BIDV Chi nhánh Hải Vân. Ông Trần Qúy Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) kháng cáo không đồng ý trả hơn 194 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng. Còn Ngân hàng Xây dựng thì kháng cáo không đồng ý trả lại 4.500 tỷ đồng cho Phạm Công Danh.