Kịch bản kinh dị nhất: Thế giới sẽ "chết chìm" vào cuối thế kỷ

Giới khoa học cảnh báo mực nước biển có thể dâng lên nhanh hơn những gì chúng ta tưởng, và nhiều nơi trên Trái đất sẽ chìm dưới nước chỉ trong vài chục năm nữa. Đó không phải là chuyện hù dọa...

Tại một khu vực hẻo lánh thuộc Nam Cực gọi là Pine Island Bay, cách Mũi Sừng - cực nam của Mỹ Latin 2.500 dặm, hai khối băng hà đang nắm giữ số phận của nhân loại.

Trải dài hơn 150 dặm trên một vùng đồng bằng quanh năm băng giá, khối băng hà Pine Island và Thwaites dày 2 dặm đã và đang dịch chuyển dần về phía biển Amundsen thuộc Nam Băng Dương trong nhiều thiên niên kỷ qua.

Được mệnh danh là "khối băng ngày tận thế", Pine Island và Thwaites tan chảy nhanh nhất Nam Cực. Nếu một ngày nào đó chúng không còn tồn tại, mực nước của tất cả các đại dương sẽ tăng lên hơn 3,35m - đủ sức nhấn chìm tất cả các thành phố ven biển trên Trái đất.

kich ban kinh di nhat the gioi se chet chim vao cuoi the ky

Vết nứt trên thềm băng Larsen C ở Nam Cực trong ảnh chụp tháng 2-2017 - Ảnh: British Antarctic Survey

Các nhà khoa học không chút nghi ngờ về khả năng đó trong điều kiện Trái đất ngày càng nóng lên. Câu hỏi quan trọng là "khi nào tận thế sẽ đến?".

Thảm họa chưa từng có

Để trả lời câu hỏi trên, các nhà khoa học đã tìm hiểu điều gì xảy ra vào giai đoạn cuối của kỷ băng hà gần nhất - cách đây 11.000 năm - khi nhiệt độ Trái đất tương đương bây giờ.

Tin xấu là họ tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy các khối băng hà Pine Island Bay sụp đổ nhanh chóng vào thời kỳ đó, gây ngập lụt các vùng đất ven biển trên địa cầu. Đây là kết quả của hiện tượng gọi là "tính bất ổn của vách băng trên biển".

Càng gần trung tâm Nam Cực, đáy đại dương càng trở nên sâu hơn, và cứ mỗi tảng băng tách ra sẽ tạo nên các vách băng ngày càng cao. Khi không còn chịu nổi sức nặng của chính mình, các vách băng sẽ sụp đổ hàng loạt và không điều gì ngăn được quá trình hủy diệt này.

Băng chỉ cứng có giới hạn, nó sẽ sụp đổ khi các vách băng đạt đến một độ cao nhất định. Chúng ta cần biết điều này xảy ra nhanh hay chậm" - Nhà băng hà học Kristin Poinar của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA)

Sự sụp đổ của Pine Island và Thwaites sẽ kích hoạt một thảm họa toàn cầu. Vô số tảng băng khổng lồ sẽ trôi dạt khỏi Nam Cực như một binh đoàn. Khắp thể giới, thủy triều sẽ dâng càng lúc càng cao, dần dần nuốt chửng các khu vực bờ biển, nhấn chìm các thành phố và tạo ra đội quân người tị nạn khí hậu lên đến hàng trăm triệu...

kich ban kinh di nhat the gioi se chet chim vao cuoi the ky

Trạm nghiên cứu Halley VI của Anh từng phải dời vị trí để tránh bị trôi mất sau khi một vết nứt xuất hiện ở phía đông Nam Cực - Ảnh: British Antarctic Survey

Tất cả những điều đó có thể xảy ra chỉ trong 20 đến 50 năm tới - quá nhanh để nhân loại kịp thích nghi. "Hiện tượng nước biển dâng trong thế kỷ tới có thể quy mô hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ cách đây 5-10 năm" - nhà khoa học Poinar nhận xét.

Trong một nghiên cứu chuyên sâu, hai nhà khí tượng học Rob DeConto (ĐH Massachusetts-Amherst) và David Pollard (ĐH Pennsylvania) dự báo vào cuối thế kỷ 21, mực nước biển sẽ dâng 1,828m thay vì chỉ 0,914m như người ta ước tính trước đây.

Thậm chí, nếu lượng khí thải carbon tiếp tục theo chiều hướng tăng, kịch bản xấu nhất là mực nước biển sẽ dâng 3,35m!

Băng tồn tại ở nhiều dạng, khi chúng tan ra cũng có nhiều hậu quả khác nhau. Băng trôi, giống như loại bao phủ Bắc Băng Dương vào mùa đông hay cấu tạo nên thềm băng, không làm tăng mực nước biển.

Nó cũng giống như khi nước đá tan, nước trong ly sẽ không tràn.

Băng nằm trên lục địa, ngược lại, là một vấn đề lớn. Khi băng này rơi xuống biển, nó sẽ làm tăng thể tích nước của các đại dương, dẫn đến mực nước biển tăng.

Nam Cực là một vùng đất rộng lớn - tương đương một nửa diện tích châu Phi - và lớp băng bao phủ nó dày trung bình hơn 1 dặm.

Trước khi con người đốt nhiên liệu hóa thạch gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu, lớp băng của Nam Cực ở trong tình trạng cân bằng. Tuyết rơi trong lục địa bù đắp đủ cho lớp băng tách ra ở vùng rìa.

Còn bây giờ, khí CO2 làm nhiệt độ bầu khí quyển tăng, sự cân bằng đã bị lệch.

kich ban kinh di nhat the gioi se chet chim vao cuoi the ky

Bức không ảnh vào tháng 11-2016 của NASA cho thấy một vết nứt lớn trên thềm băng Larsen C ở Nam Cực - Ảnh: NASA

Nước biển dâng 1,828m: TP.HCM sẽ biến mất

Nước biển dâng 0,914m đã là rất tệ, đủ để gây lụt lội thường xuyên ở các thành phố lớn của Mỹ như New Orleans, Houston, New York, Miami... Các hòn đảo Thái Bình Dương, chẳng hạn quần đảo Marshall, sẽ mất phần lớn diện tích lãnh thổ.

Rất tiếc, hiện nay các nhà khoa học cho rằng 0,914m chỉ xảy ra trong các kịch bản tốt nhất!

Ở mức 1,828m như dự đoán của hai nhà khoa học DeConto và Pollard, khoảng 12 triệu người ở Mỹ sẽ mất chỗ ở; và các siêu đô thị dễ bị tổn thương nhất thế giới như Thượng Hải (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ), TP.HCM (Việt Nam)... sẽ biến mất khỏi bản đồ.

Ở mức 3,35m - tức kịch bản xấu nhất, các vùng đất cư trú hiện nay của hàng trăm triệu người khắp thế giới sẽ chìm dưới nước.

Phần lớn vùng Nam Florida ở Mỹ sẽ không còn người ở; các trận lũ tương đương cơn bão Sandy năm 2012 sẽ xuất hiện 2 lần mỗi tháng ở New York và New Jersey, vì chỉ cần lực hấp dẫn của Mặt trăng là đủ khiến thủy triều tràn vào nhà ở, công trình...

"Điều này (nước biển dâng) có thể xảy ra nhanh hơn hoặc chậm hơn, tôi không cho là chúng ta thật sự hiểu. Nhưng nó hoàn toàn nằm trong vùng xác suất, và đó là một điều đáng sợ" - ông Jeremy Bassis, nhà khoa học hàng đầu về băng hà thuộc ĐH Michigan, bình luận.

Mô hình dự báo của DeConto và Pollard dựa trên quan sát mực nước biển thời cổ đại trên khắp thế giới, so sánh chúng với hiện trạng của các khối băng hà ngày nay. Cách đây 3 triệu năm, khi nhiệt độ toàn cầu ấm tương đương với mức các nhà khoa học dự báo vào cuối thế kỷ này, mực nước biển khi đó cao hơn bây giờ đến vài mét.

Hai nhà khoa học thừa nhận mô hình dự báo của họ chưa thật sự hoàn chỉnh, nhưng chỉ với kết quả trên cũng đủ báo động cả cộng đồng khoa học.

Lựa chọn là của chúng ta

Năm 2002, khi nhà khoa học Jeremy Bassis tiến hành một nghiên cứu ở Nam Cực cho luận án tiến sĩ, ông đã chứng kiến một cảnh tượng kinh hãi. Một lần nọ, trở về khu trại từ địa điểm nghiên cứu ở một nơi khác, ông Bassis bị sốc khi chứng kiến thềm băng Larsen B biến mất hoàn toàn chỉ trong một đêm.

"Cứ mỗi bổ sung trong hiểu biết của chúng ta nói lên rằng các thềm băng có thể thay đổi nhanh hơn chúng ta tưởng. Chúng ta không dự báo được Pine Island sẽ tan chảy, chúng ta cũng không dự báo được Larsen B sẽ biến mất. Chúng ta chỉ quan sát chúng khi mọi thứ đã xảy ra" - ông Bassis đúc kết.

kich ban kinh di nhat the gioi se chet chim vao cuoi the ky

Một chiếc máy bay của NASA đang tiếp nhiên liệu trước một chuyến bay khảo sát Nam Cực thuộc sứ mệnh IceBrigde - Ảnh: NASA

Những phát hiện của các nhà khoa học ở Nam Cực đều đi đến cùng một thông điệp: Những gì chúng ta làm bây giờ sẽ quyết định hai khối băng Pine Island và Thwaites sụp đổ nhanh hay chậm.

Chẳng hạn, nếu con người có thể chuyển đổi nhanh chóng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo trong vài thập niên tới, điều này có thể hãm tốc độ nước biển dâng trong vài thế kỷ. Một quyết định đáng giá hàng ngàn tỉ USD và hàng triệu sinh mạng.

"Tất cả hệ quả đều phụ thuộc vào lựa chọn con người đưa ra" - nhà khoa học Bassis nhấn mạnh.

Năm 2015, chính phủ Mỹ và Anh khởi động một kế hoạch nghiên cứu chung gọi là "Bao nhiêu, nhanh đến chừng nào?" nhằm nghiên cứu khối băng hà Thwaites. Các hoạt động đầu tiên sẽ được tiến hành đầu năm 2018 và kéo dài 5 năm.

Theo ông Poinar - nhà khoa học của NASA, việc Mỹ và Anh cùng bắt tay đủ cho thấy tầm quan trọng của nghiên cứu này. Tuy nhiên, với chủ trương cách giảm ngân sách khoa học của Tổng thống Donald Trump, có lẽ đây là tất cả những gì giới khoa học có thể làm trong 5 năm tới.

"Rất tiếc, đây là một thực tế" - ông Pollard bổ sung.

kich ban kinh di nhat the gioi se chet chim vao cuoi the ky

Đây là hình ảnh của Nam Cực loang lổ với những khoảng băng bị tan chảy - Ảnh: NASA

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.