Không may cho chúng ta là những sinh vật mang tên người yêu cũ chẳng tự nhiên mà bốc hơi khỏi Trái Đất sau cuộc chia tay.
Họ không những tiếp tục sống nhởn sống nhơ, mà ông trời lại còn thích trêu ngươi người ta, hay có xu hướng tạo cơ hội cho họ xuất hiện vào những lúc bạn đang trong tình trạng thảm bại nhất: say xỉn hết biết trời trăng gì, quần áo xộc xệch, đầu tóc rối bù và một gương mặt lem luốc!
Tôi không bao giờ hiểu nổi tại sao có những người có thể tiếp tục làm bạn với nhau sau khi đã chia tay. Với tôi điều đó chỉ đơn giản là không thể, là quá sức tưởng tượng, quá giới hạn chịu đựng.
Nhiều người lại còn cho rằng làm bạn với người yêu cũ là một cách để chứng tỏ mình đã “trưởng thành”, nhưng tôi lại luôn cảm giác rằng những người đó có sự nhầm lẫn giữa chuyện trưởng thành với … khổ dâm hay sao ấy! (Khổ dâm là một dạng thích bị ngược đãi, hành hạ trong tình yêu mà cứ tự nghĩ đó là hạnh phúc, khoái cảm ấy!).
Vậy nhưng nếu bạn có “trưởng thành” đủ để tiếp tục liên lạc với người yêu cũ trong phần đời còn lại, thì vẫn được thôi. Nhưng hãy nhớ là quan trọng “tình bạn” đó phải trong sáng, không có động cơ thầm kín gì khác đấy.
Hãy nhớ: thân thiện khác với việc cố chấp trở thành bạn bè với người cũ
Giờ đến phần khác nhau của việc “làm bạn” và “thân thiện”. Bạn bè nghĩa là bạn với người yêu cũ ngồi lại với nhau, cùng coi một bộ phim vô thưởng vô phạt nào đấy và tỉ tê về người yêu mới của mình. Thân thiện có nghĩa là nếu vô tình có gặp nhau trên đường, nhẹ nhàng gật đầu mỉm cười ý nhị, cố gắng hết sức để không lôi cái này cái nọ ra làm vũ khí mà tương vào đầu người yêu cũ.
Thành thật mà nói thì thân thiện là một lựa chọn không tồi, nhất là trong cái thế giới nhỏ bé này quanh đi quẩn lại thể nào chẳng đụng mặt nhau! Bạn chẳng muốn bản thân mình hành xử như một đứa con nít giận cá chém thớt đâu nhỉ? Phân định rõ thân thiện và việc làm bạn bè là hết sức cần thiết đấy.
Đừng tiếp tục làm bạn để rồi bản thân bị cuốn vào những thói quen khó bỏ
Tôi không nói tất cả mọi trường hợp là phải cắt liên lạc đâu nhé, và cũng không nói đến những mối quan hệ nghiêm túc hay lâu dài. Mối tình đầu tiên của tôi tràn ngập dư vị của sự phản bội lừa dối và ghen tuông, vậy nên hà cớ gì tôi lại có thể tiếp tục làm bạn với người yêu cũ được chứ?
Còn với người yêu gần đây nhất, chúng tôi chia tay sau khi lôi nhau vào những cuộc đấu đá vớ vẩn, và thật buồn cười bởi vì để cố gắng trở nên “trưởng thành” như người ta khuyên bảo, chúng tôi lại đi nói nói cười cười làm bạn trở lại sau tất cả những gì đã từng xả vào mặt sau! Kết quả là gì? Đi uống vài ly với nhau rồi khóc lóc tỉ tê, say xỉn rồi thì chuyện gì đến cũng phải đến. Thói quen khó bỏ mà!
Công bằng mà nói, tình yêu kết thúc như thế nào cũng góp phần vào việc ảnh hưởng đến những gì xảy ra sau đó. Nếu mối quan hệ kết thúc một cách tệ hại - lừa dối, thiếu tôn trọng, tổn thương nhau, vân vân và vân vân - thì việc hình thành một tình bạn sau chia tay là rất khó, thậm chí là chẳng ích lợi gì.
Thế nhưng, nếu tình yêu của bạn kết thúc một cách nhẹ nhàng chỉ vì cả hai đã dần hết tình cảm (nhưng chẳng may là cái lý do quá chừng tốt đẹp này lại xảy ra với không nhiều những cuộc tình trên thế giới này), thì việc làm bạn với nhau sau đó cũng có thể xảy ra. Tôi thì nghĩ cách duy nhất để làm bạn với người yêu cũ đó chính là trước khi đi đến chia tay, hai người đã không khác gì bạn bè rồi! (nghĩa là yêu nhau mà như không yêu ấy!).
Bởi vì khi bạn kết thúc một mối quan hệ thì vẫn còn đọng lại những vấn đề nhạy cảm đã-xảy-ra-giữa-hai-người, hoặc là người kia chưa sẵn sàng chia tay, thì khó lòng mà làm bạn bởi vì thể nào cũng xảy ra chuyện một là muốn lôi nhau lên giường, hai là muốn một dao mà đâm chết nhau cho xong!
Nhưng không chỉ có “chuyện ấy” không thôi! Một mối quan hệ bao hàm rất nhiều thứ khác: gia đình hai bên, bạn bè chung của cả hai, sự giúp đỡ từ đối phương mà bạn nhận được,… Những thứ ấy sẽ khiến cả hai chẳng dễ gì mà làm bạn.
Tại sao người ta muốn làm bạn với người yêu cũ?
Có khá nhiều lý do tại sao người ta muốn làm bạn với người yêu cũ. Có những trường hợp làm bạn với người yêu cũ bởi vì… trong thâm tâm vẫn mong cả hai sẽ quay về bên nhau. Hoặc bạn đồng ý tiếp tục qua lại với người cũ bởi vì sự thương hại, vì người ấy vẫn còn rất yêu bạn, và bạn thấy mình chỉ có ý tốt.
Hoặc bạn tiếp tục làm bạn với tình cũ chỉ để khiến họ thấy đau lòng khi chứng kiến cảnh bạn qua lại với người mới. Và cuối cùng, trường hợp kinh điển nhất mọi thời đại, là giữ tình cũ lại đó như … kế hoạch B, dự phòng cho trường hợp bạn không tìm được ai tốt hơn.
Điều này không chỉ không công bằng với tình cũ, mà còn khiến bạn trở nên xấu xí và không thể vui vẻ tiến về phía trước được.
Có thể bạn không nhận ra, nhưng việc xem tình cũ là “bạn bè” sau chia tay có thể là nguyên nhân khiến bạn khó lòng tìm đến một tình yêu mới. Bạn nghĩ rằng mình thật có đạo đức khi làm bạn với tình cũ, trong khi thật ra đó là lý do khiến bạn chả còn tí hơi sức nào để mà dành thời gian cho riêng mình trong công cuộc tìm người yêu mới.
Vượt qua để bước tiếp là một chuyện khó, và cảm giác bị thôi thúc muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp với người yêu cũ là rất mạnh mẽ, tôi hoàn toàn hiểu điều đó. Không có gì là trẻ con hay yếu đuối khi ngừng việc kết bạn với người cũ trên Facebook hay Instagram, đó chỉ là một cách để bạn tự trao cho mình cơ hội mới.
Còn nếu bạn cứ ngoan cố follow hay không chịu unfriend, chắc chắn bạn sẽ dành cả ngày ôm điện thoại rồi ra ra vào vào tài khoản của tình cũ để xem có đăng cái gì mới đau khổ hay ám chỉ mình hay không!
Có thể sau chia tay, bạn cần phải đi du lịch đâu đó để tránh xa cái chỗ đầy kỉ niệm giữa hai người, có thể bạn cần phải thay đổi mọi thói quen sinh hoạt của mình vì giờ đây đã mất đi một người trong cuộc đời bạn, thế nhưng bằng cách này hay cách khác, bạn cũng sẽ vượt qua thôi!
Và hãy chắc chắn rằng, nếu vô tình có dịp đụng mặt người yêu cũ, bạn phải đang trong trạng thái tốt và xinh đẹp nhất, đừng lôi thôi lếch thếch thì mất mặt lắm!