Thẻ tín dụng (credit card) ngày càng trở thành một phương tiện thanh toán phổ biến và tiện lợi trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả và tránh rủi ro về tài chính, người dùng thẻ cần hiểu rõ cơ chế hoạt động và quản lý chặt chẽ các khoản chi tiêu.
Chỉ nên sử dụng tối đa 2 thẻ tín dụng
Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, ông Phan Hoàng Quân, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân từ Công ty cổ phần FIDT, cho rằng mỗi người chỉ nên sở hữu tối đa hai thẻ tín dụng để dễ quản lý và tránh rủi ro về tài chính.
Trong đó, một thẻ chính và một thẻ dự phòng là đủ để đảm bảo sự linh hoạt khi có sự cố xảy ra với một trong hai thẻ. Khi lựa chọn mở thẻ, khách hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng về mục đích sử dụng thẻ, cũng như những ưu đãi kèm theo.
Một số thẻ tín dụng không tính phí thường niên, trong khi một số khác lại có ưu đãi đặc biệt về mua sắm, du lịch, hoặc hoàn tiền. Việc chọn thẻ phù hợp với nhu cầu cá nhân sẽ giúp bạn tận dụng tối đa lợi ích mà không phải chi trả quá nhiều loại phí.
Theo ông Quân, thẻ tín dụng không phải là một công cụ để vay mượn dài hạn, mà nên được sử dụng như một phương tiện thanh toán thông minh để tận dụng các ưu đãi và lợi ích từ ngân hàng cũng như các đối tác thương mại.
Nhiều người dùng thường nhầm lẫn rằng thẻ tín dụng có thể được sử dụng như một khoản vay không cần trả ngay. Theo ông Quân, điều này rất nguy hiểm vì nó có thể dẫn đến việc phát sinh lãi lớn nếu không được quản lý tốt. Thẻ tín dụng nên được xem như một công cụ thanh toán tiện lợi để tận dụng các ưu đãi như hoàn tiền, tích điểm, hoặc giảm giá từ các cửa hàng, chứ không nên dùng như một khoản vay không lãi.
Ví dụ, nếu bạn mua một món đồ giá 20 triệu đồng, thay vì phải trả ngay, bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng để nhận ưu đãi. Tuy nhiên, bạn cần phải chắc chắn rằng số tiền này có sẵn để thanh toán ngay sau khi nhận ưu đãi, tránh việc dùng số tiền này vào mục đích khác dẫn đến nợ lãi cao.
Ở góc nhìn khác, ông Trịnh Công Hòa, người sáng lập blog tài chính cá nhân "Tiền của tôi" cho rằng để tránh quên thanh toán và dễ dàng quản lý chi tiêu, ông Hòa khuyên rằng mỗi người chỉ nên sở hữu một thẻ tín dụng và liên kết với một ứng dụng quản lý chi tiêu cá nhân.
Hiện nay, nhiều ngân hàng cung cấp các ứng dụng giúp người dùng theo dõi chi tiêu từ thẻ tín dụng, tài khoản thanh toán, và ví điện tử một cách tổng thể. Điều này giúp kiểm soát dòng tiền dễ dàng hơn và giảm thiểu rủi ro lạm chi.
Loạt khoản phí cần lưu ý
Thẻ tín dụng cho phép chủ thẻ thực hiện các giao dịch trong phạm vi hạn mức tín dụng được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành. Nói cách khác, đây là một hình thức "vay trước, trả sau", giúp người dùng chi tiêu mua sắm hoặc thanh toán dịch vụ mà không cần phải trả tiền ngay lập tức.
Ông Quân nhấn mạnh rằng một trong những điểm quan trọng cần lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng là các loại phí phạt và lãi suất phát sinh nếu không trả đúng hạn.
Không giống như các khoản vay thông thường, chỉ cần chậm trễ một ngày trong việc thanh toán dư nợ thẻ tín dụng, chủ thẻ sẽ phải chịu phạt trung bình 5% trên tổng số tiền nợ, cùng với lãi suất quá hạn dao động từ 20-40% tùy vào ngân hàng.
Ví dụ, nếu bạn nợ 1 triệu đồng, bạn sẽ bị phạt 50.000 đồng và khoản lãi có thể lên đến 200.000-400.000 đồng. Điều này có thể khiến khoản nợ tăng nhanh chóng nếu không được kiểm soát kịp thời.
Hiện nay, các thẻ tín dụng thường miễn lãi suất từ 45 đến 55 ngày. Tuy nhiên, điều kiện để được miễn lãi là bạn phải thanh toán toàn bộ số dư nợ trước ngày đến hạn. Do đó, việc thanh toán đúng hạn hoặc sớm hơn là vô cùng quan trọng để tránh những chi phí không đáng có.
"Nếu bạn quên hoặc bỏ qua việc thanh toán, không chỉ bị mất ưu đãi miễn lãi mà còn có nguy cơ phải gánh thêm các khoản phạt và lãi suất cao", vị chuyên gia lưu ý.
Ngoài phí phạt trả chậm, thẻ tín dụng còn tiềm ẩn nhiều loại phí khác như phí thường niên, phí giao dịch ngoại tệ, và phí rút tiền mặt. Nhiều người cho rằng nếu không sử dụng thẻ thì sẽ không mất phí, nhưng thực tế các khoản phí này vẫn có thể phát sinh dựa trên yêu cầu khi mở thẻ. Vì vậy, nếu không có nhu cầu sử dụng, người dùng nên khóa hoặc hủy thẻ để tránh phải chi trả những khoản phí không cần thiết.
Ông Quân cũng lưu ý về việc thanh toán tối thiểu, thường từ 5-10% tổng số dư nợ. Nếu không thanh toán đủ số tiền tối thiểu, khách hàng sẽ bị tính thêm lãi suất và phí phạt trả chậm. Điều này có thể dẫn đến tình trạng "lãi chồng lãi", khiến khoản nợ của bạn ngày càng tăng cao.
Thẻ tín dụng là một công cụ tài chính hữu ích nếu được sử dụng đúng cách. Việc hiểu rõ các loại phí, quản lý chặt chẽ các khoản chi tiêu và thanh toán đúng hạn sẽ giúp người dùng tránh được những rủi ro không đáng có, ông Quân đánh giá.