Nhà thờ Đức Bà Paris cháy rực lửa chiều tối 15/4, làm quặn thắt con tim người dân Pháp. Ảnh: AP
Trong bài diễn văn toàn quốc ngày 16/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông muốn tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo quá trình này có thể kéo dài hơn một thập kỷ. Công cuộc tái thiết này sẽ đánh dấu lần đổi thay mới nhất với công trình biểu tượng của nước Pháp, một kiệt tác Gothic từng mất 107 năm để xây dựng và đã đứng vững trong nhiều thế kỷ sau đó dù phải trải qua không ít lần được trùng tu.
Chỉ trong vòng 24 giờ sau trận hỏa hoạn tàn phá Nhà thờ Đức Bà Paris, những nỗ lực quyên góp tiền để phục dựng công trình này đã đạt 1 tỷ USD. Điều đó cho thấy phần khó khăn nhất của bất cứ dự án khôi phục lớn nào là tài chính sẽ không phải là mối lo ngại lớn nữa. Vậy công cuộc tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ đối mặt với những vấn đề gì?
Hình ảnh Nhà thờ chụp từ trên cao xuống sau đám cháy kinh hoàng.
An toàn trước hết
Với bất cứ công trình xây dựng nào đã bị lửa tàn phá, an toàn sẽ là mối quan tâm hàng đầu. Theo các nhà chức trách Pháp thì cấu trúc chính của tòa nhà (cùng hai tháp chuông) đã được bảo toàn, nhưng nhiều phần khác của Nhà thờ có thể đứng trước rủi ro đổ sập bất cứ lúc nào. Sử gia chuyên về kiến trúc Jonathan Foyle cho rằng trước khi phân biệt rõ những phần nào có thể sửa chữa được, những phần nào không thể khôi phục, thì cần phải tiến hành những bước đi nhằm ngăn chặn nguy cơ Nhà thờ bị hủy hoại thêm.
“Nơi đây đã là một tòa nhà ướt sũng bởi nước cứu hỏa, vì thế họ cần phải cung cấp một phương tiện che phủ cho các thành phần bên trong”, ông Foyle nêu ý kiến khi được CNN phỏng vấn.
Mặt tường phía trước Nhà thờ được bảo toàn, nhưng phần lớn mái nhà phía sau cùng tháp nhọn đã bị cháy sập. Ảnh: AP
Ông Frédéric Létoffé, người đứng đầu Hiệp hội Các công ty Khôi phục công trình lịch sử Pháp, cho rằng không có nhiệm vụ nào là nhỏ trong quá trình tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris. “Quá trình này đỏi hỏi rất nhiều công việc, không chỉ là chống đỡ, gia cố, mà sẽ cần thiết phải xây dựng một giàn giáo với một chiếc ô khổng lồ có thể che phủ toàn bộ phần mái đã sập nhằm bảo vệ công trình trước các điều kiện thời tiết”, ông Létoffé phát biểu.
Bảo toàn công trình
Theo kiến trúc sư John Burton, một nhà khảo sát công tác bảo tồn các nhà thờ Gothic ở Anh gồm Canterbury Cathedral và Westminster Abbey, thì ưu tiên đầu tiên cho các nhà tái thiết sẽ là lắp đặt một mái tạm thời cho tòa nhà. Điều này sẽ giúp các chuyên gia có thể tiến hành một cuộc kiểm tra chi tiết về công trình, đặc biệt là những cấu trúc nào vẫn được bảo toàn sau thảm họa.
“Nói về kiến trúc Gothic là nói về sự cân bằng. Tòa nhà đã đứng vững nhờ tất cả các thành tố được ghép lại cùng nhau. Nhưng những phần trụ tường từng chống đỡ cho tòa nhà lúc này có thể đã mất cân bằng", ông Burton nói.
Sau khi thực hiện công đoạn bảo vệ những phần còn lại của tòa nhà, các nhóm chuyên gia sẽ bắt đầu đánh giá mức độ thiệt hại và chỉ riêng quá trình này cũng có thể mất vài năm, ông Burton nhận định.
“Đội quân” khảo cổ học
Trước khi nhà chức trách Pháp đưa ra bất cứ quyết định nào về phương án tái thiết, họ sẽ cần hiểu hơn về cách thức những công trình nhà thờ thời Trung cổ được xây dựng ra sao.
“Phần mái đã sập và phần tường gạch bên trên sẽ hé lộ nhiều điều có thể chưa được biết đến về lịch sử của tòa nhà”, sử gia Jonathan Foyle cho biết. “Nhà thờ Đức Bà hầu như không có hồ sơ xây dựng. Chúng ta biết rằng việc xây dựng được khởi công từ năm 1163 và cơ bản hoàn thành vào năm 1240, nhưng không có dữ liệu nào về xây dựng”.
“Bằng chứng về quá trình mở rộng tòa nhà nằm ở phần kết cấu vật lý, vì thế ta sẽ cần cả một đội quân các nhà khảo cổ học đến đây để hiểu hơn về những phần nào cần sửa chữa và chúng thuộc về kết cấu nào”, ông Foyle nói.
Kiến trúc sư Peter Riddington, từng làm việc tại dự án trùng tu Lâu đài Windsor (Anh) sau khi công trình này bị lửa phá hoại năm 1992, cho rằng một trong những bước đi cấp bách hơn là tiến hành các công tác khảo cổ học. “Những gì cực kỳ hữu ích với chúng tôi (tại Lâu đài Windsor) là việc sàng lọc về khảo cổ với đống đổ nát”, ông Riddington nói và đề xuất các nhà điều tra có thể quyết định chia khu vực sàn Nhà thờ thành các ô lưới và phân công các đội khảo cổ rà soát từng ô. Họ sẽ tìm kiếm được bất cứ thứ gì có thể hữu ích, kể cả những vật có thể được tái sử dụng trong hoạt động tái thiết, hoặc cần được sao chép lại.
Theo chuyên gia Burton, sau khi kết thúc công đoạn “khám nghiệm”, các nhóm chuyên gia sẽ được thành lập để tiếp cận từng bộ phận, từ cửa kính chịu lực cho đến hiện vật dát vàng. Dự án sẽ cần một kiến trúc sư trưởng để đi đến một thiết kế toàn diện cho hoạt động tái thiết.
Ông Riddington thì dự đoán hoạt động tái thiết sẽ cần có một ủy ban đánh giá để đưa ra quyết định về những vấn đề cơ bản nhất, chẳng hạn như sau khi khôi phục diện mạo nhà thờ sẽ ra sao.
Khôi phục và sáng tạo
Mục tiêu phục dựng không phải lúc nào cũng là sao chép lại y nguyên phiên bản quá khứ. Những cách tiếp cận mới và công nghệ hiện đại có thể ảnh hưởng đến việc các cấu trúc bị hủy hoại sẽ được tái hiện lại ra sao.
Có thể lấy ví dụ như dự án trùng tu gần đây với con thuyền cổ Cutty Sark (Anh) bị hỏa hoạn phá hủy, với chi phí 65 triệu USD. Một cấu trúc bằng kính, bên trong chứa các thiết bị hiện đại, đã được bổ sung vào tầng hầm của con tàu cổ xưa, nay trở thành một điểm du lịch ở London.
Một công nhân kiểm tra thân tàu Cutty Sark vào tháng 10/2017. Ảnh: Getty Images
Tàu Cutty Shark sau khi được trùng tu. Ảnh: Getty Images
Nhà chức trách có thể mong muốn việc khôi phục sẽ bảo tồn trung thực nhất phiên bản trước đó của Nhà thờ Đức Bà Paris. Tuy nhiên, vẫn có khả năng Pháp sẽ tiến hành một cách tiếp cận mới táo bạo với công trình biểu tượng quốc gia này.
“Chúng tôi dự đoán là nhà thờ sẽ được khôi phục như trước đám cháy, nhưng đó không phải là cách duy nhất. Nhà thờ Đức Bà Paris đã trải qua nhiều vụ cháy trong quá khứ và đã được xây dựng lại theo những phong cách khác nhau”, chuyên gia Riddington cho biết.
Trên thực tế, ngọn tháp nhọn gãy sụp trong biển lửa vào tối 15/4 là một bộ phận khác so với phiên bản trong quá khứ của Nhà thờ Đức Bà Paris, nó đã được xây dựng trong cuộc đại trùng tu vào thế kỷ 19. Nhà thiết kế của tháp nhọn này, kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc đã thiết kế tháp cao hơn và tỉ mỉ hơn phiên bản trước đó.
Công cuộc khôi phục được dự đoán cũng sẽ để lại những thay đổi quan trọng với mặt ngoài và nội thất nhà thờ. “Nhà thờ Đức Bà không phải là tòa nhà đã ‘hóa thạch’ theo thời gian. Nơi đây không phải là một công trình bất biến kể từ đầu thế kỷ 13”, sử gia Foyle nói.
Không còn nghi ngờ gì về viễn cảnh các cuộc bàn thảo về công cuộc trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ kéo dài, thậm chí gây tranh cãi. Với ông Burton, quan trọng là phải thừa nhận những gì đã xảy ra trong lịch sử và chấp nhận những thiết kế mới. “Chúng tôi không muốn xây dựng một bản sao Nhà thờ Đức Bà giống như hơn 800 năm trước. Chúng tôi muốn tôn trọng một sự thật là nó đã trải qua hỏa hoạn và hằn lại những dấu vết của thảm kịch, đó cũng là một phần lịch sử của tòa nhà”.
Những thợ thủ công lành nghề
Nhiều thợ thủ công lành nghề, từ thợ nề, thợ mộc, thợ bào cho đến thợ chạm khắc... sẽ được tuyển chọn tham gia dự án quy mô lớn này.
John David, một thợ nề bậc thầy với trên 45 năm kinh nghiệm, từng tham gia dự án trùng tu York Minster, nhà thờ lớn nhất nước Anh, sau trận cháy năm 1984, cho biết: “Những gì tôi nghe nhiều lần ngày hôm nay là người ta nói rằng ‘chúng ta không thể làm gì nữa, chúng ta không có những thợ thủ công có khả năng’. Chúng ta có. Chúng ta có nhiều, và chúng ta có nhiều người có thể đào tạo những người khác”.
Ông David nhìn thấy cơ hội để nước Pháp đào tạo một thế hệ mới những người thợ thủ công lành nghề. “Họ sẽ cần nhiều người hơn, công việc sẽ không thể nhanh chóng, có thể kéo dài 10-12 năm. Đó là cơ hội để chúng ta đào tạo thợ thủ công, không chỉ vì Nhà thờ Đức Bà Paris, mà còn cả cho những công trình khác. Đây không phải là lần cuối (thảm họa xảy ra)”.