Trong gia đình, trẻ em luôn có nhu cầu được lắng nghe và chia sẻ... Ảnh Bùi Đình Hải
Nhiều bậc cha mẹ nhầm tưởng rằng, việc lắng nghe và nói chuyện chỉ quan trọng trong những mối quan hệ xã hội mà không hề biết rằng, trong gia đình, trẻ cũng có nhu cầu được lắng nghe và chia sẻ. Đặc biệt trong giai đoạn trẻ bắt đầu dậy thì - chính là thời điểm hình thành những suy nghĩ “trưởng thành” của trẻ.
Chị L.N ở phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Con trai tôi năm nay học lớp 7, tâm sinh lý của cháu thay đổi thất thường. Có những lúc rất sôi nổi, có những khi lại lặng lẽ. Lâu nay, vì nghĩ con trai thì suy nghĩ đơn giản và mạnh mẽ nên tôi không để ý đến việc nói chuyện tâm tình với con. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy những thay đổi của con, tôi mới tìm cách nói chuyện với cháu. Hóa ra, con có rất nhiều tâm tư, tình cảm, suy nghĩ muốn chia sẻ”.
Khi mẹ cùng chơi và trò chuyện với con thì tình cảm càng thêm gần gũi, giúp trẻ có những suy nghĩ tích cực hơn đối với những vấn đề trẻ gặp phải trong cuộc sống. Ảnh Internet
Khi trẻ chưa đủ nhận thức thì tất cả những gì trẻ quan sát và tiếp xúc, tất cả những biểu hiện của các mối quan hệ của trẻ là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc và trí tuệ. Nếu trẻ được tâm sự và được cha mẹ đón nhận những suy nghĩ của bản thân, thì sẽ thực sự tốt cho việc định hướng sự phát triển.
Chị T.Q.H ở phường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Công việc bận rộn khiến tôi nhiều lúc quên mất việc trò chuyện với con. Một ngày, thấy con trở nên lặng lẽ, thái độ không hợp tác với mẹ, tôi mới bắt đầu tìm hiểu. Tôi lên phòng của con gái và tìm được một cuốn sổ nhật ký. Đến lúc đó, tôi mới biết con đã có những cảm xúc tiêu cực đối với những vấn đề con gặp phải ở trường học. Cũng may, tôi đã kịp thời phát hiện và dành thời gian tâm sự, chia sẻ để giúp con giải thoát khỏi những cảm xúc đó”.
Song hành với trẻ sẽ giúp trẻ thay đổi về cảm xúc, nhận thức, tuy nhiên, cha mẹ cũng cần học cách nói chuyện với trẻ. Ảnh Internet
Trẻ dậy thì luôn ở trong trạng thái rất nhạy cảm và luôn cố tỏ ra mình có suy nghĩ, có chính kiến. Vì thế, nếu áp đặt thì sẽ tạo ra phản ứng phụ.
Anh L.T.Đ ở phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Nói chuyện với con cái đang ở độ tuổi dậy thì không hề dễ dàng. Tôi phải nghiên cứu rất nhiều phương pháp, học rất nhiều kỹ năng mới có thể trò chuyện với con. Trước tiên mình phải là người bạn đã, khi khiến trẻ mở lòng rồi mới đặt mình vào vị trí của người cha để đưa ra lời khuyên đối với con, cùng con vạch ra những cách giải quyết hợp lý”.
Có rất nhiều gia đình, vì bỏ qua việc trò chuyện, lắng nghe, chia sẻ với con mà rơi vào những tình thế không mong muốn. Đã có rất nhiều đứa trẻ nổi loạn và cũng có rất nhiều đứa trẻ bị trầm cảm, tự kỷ khi không được tháo gỡ những vướng mắc trong lòng, khi cảm thấy mình là người cô độc trong gia đình. Chính vì thế, trò chuyện cùng con là việc rất quan trọng trong chăm sóc và giáo dục con cái.