Thời điểm này, tại HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ, không khí chuẩn bị hàng cho khách khá trầm lắng.
Theo nhiều người dân xã Thọ Điền, cứ vào độ tháng 10 âm lịch hằng năm là bà con trên địa bàn xã lại tất bật vào vụ mật Tết. Tuy nhiên, khác với các năm trước, năm nay, thị trường mật mía khá trầm lắng.
Tại HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ, không còn cảnh các thành viên tất bật thay nhau ép, nấu mật như mùa mật hằng năm. Chị Đoàn Thị Nhàn (thôn 1, xã Thọ Điền) - Giám đốc HTX cho biết: “Nếu như thời điểm này năm ngoái, HTX chúng tôi đang làm việc hết công suất, khu vực bếp nấu gần như phải đỏ lửa cả ngày lẫn đêm mới kịp đủ hàng cho khách, thì nay, mọi công đoạn từ thu hoạch mía đến ép và nấu đều chững lại”.
Số lượng mật chưa bán được, gia đình chị Nhàn đóng chai để bảo quản.
Cũng theo chị Nhàn, thời điểm cuối năm ngoái, mỗi ngày, HTX ép 3 - 4 tấn mía tươi, tương đương nấu được khoảng 300 lít mật thương phẩm. Tuy nhiên, năm nay, con số này chỉ đạt khoảng 30 - 50 lít mật/ngày, dù sản phẩm của HTX đã được công nhận đạt chuẩn OCOP.
Nhờ đăng bài thường xuyên trên Facebook nên chị Đoàn Thị Nhàn và các thành viên trong HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ đã chốt được hơn 100 đơn hàng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
“Nếu như thời điểm này năm ngoái, gia đình tôi đã xuất bán được gần 1,5 tấn mật mía thì hiện tại mới chỉ bán được hơn 3 tạ. Sức mua giảm khiến gia đình và các thành viên trong HTX khá lo lắng về thị trường mật năm nay. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, các thành viên trong HTX đang linh hoạt các phương thức bán hàng qua Facebook, Zalo nhằm tìm kiếm khách hàng.
Nhờ phương thức này mà hiện tại, HTX chúng tôi đã chốt được hơn 100 đơn hàng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, với số lượng khoảng 2,5 tấn mật. Hiện, các thành viên trong HTX vẫn đang dùy trì việc đăng bài thường xuyên trên Facebook, Zalo để bán sản phẩm” - chị Nhàn cho hay.
Linh hoạt cách bán hàng online, bà con làng mật mía Thọ Điền đã kết nối thêm được một lượng khách mới.
Tình trạng vắng khách không chỉ diễn ra tại HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ, mà ở các hộ sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm mật mía cũng gặp khó về đầu ra. Hiện, bà con đang tận dụng mạng xã hội để bán hàng online.
Nếu như thời điểm này năm ngoái, gia đình chị Thái Thị Hải Yến ở thôn 1 (xã Thọ Điền) đã thu hoạch xong 3 sào mía thì nay mới được hơn nửa sào.
Chị Thái Thị Hải Yến ở thôn 1 (xã Thọ Điền) cho biết, năm ngoái, vào vụ mật tết, chúng tôi gần như không có thời gian để nghỉ ngơi và chỉ sau hơn một tháng là gia đình thu hoạch xong 3 sào mía, cung cấp ra thị trường hơn 1,5 tấn mật, thu về khoảng 45 triệu đồng. Thế nhưng, vụ mật năm nay khá vắng khách, chúng tôi chủ yếu đang cung cấp cho một số cơ sở làm bánh trên địa bàn tỉnh với số lượng ít.
Những mẻ mật óng vàng được chị Yến cẩn thận đun nấu.
“Năm nay lượng khách và tiểu thương ngoại tỉnh đặt hàng gần như chưa có, vì vậy, ngoài chờ khách quen đặt mua, gia đình đang tranh thủ “quảng cáo” mật trên các trang mạng xã hội để gom đơn trước và tăng nguồn thu dịp cuối năm. Linh hoạt cách bán hàng này, gia đình đã kết nối thêm được một lượng khách mới. Đến thời điểm hiện tại, tôi đã chốt thêm được 4 tạ mật vào dịp tết” - chị Yến cho biết.
Cũng theo chị Yến, thời điểm này, không chỉ gia đình chị mà hầu hết bà con trên địa bàn xã đều áp dụng phương thức bán hàng online. Với cách bán hàng này, quan trọng là phải tạo được niềm tin của khách hàng bằng uy tín, sự trung thực trong giao dịch, đồng thời chú trọng chất lượng sản phẩm để tạo niềm tin cho những lần sau.
Theo chị Yến, mật sau khi được nấu xong sẽ được để nguội trong vòng 3 giờ.
Khi mật lắng và sánh lại thì lúc đó mới đóng chai.
Theo nhiều người dân làng mật Thọ Điền, để tạo ra mẻ mật thơm ngon, giữ được khách, đòi hỏi người “thợ” phải tâm huyết và yêu nghề, bởi nghề làm mật không phải cứ thích là làm được. Quá trình keo mật mất rất nhiều thời gian, người nấu phải đảo liên tục và phải đều tay. Đặc biệt, khi mật sôi, nếu không kịp vớt váng bọt, làm mật bị trào sẽ có màu đen, kém thơm ngon.
Dẫu công đoạn chế biến mật mía có phần cầu kỳ, tỉ mẩn, nhưng giá của sản phẩm này lại khá “mềm”. Hiện, mật mía đang được bà con nơi đây bán với giá 45.000 đồng/lít (tương đương 1,5 kg mật), mức giá này bằng năm ngoái.
Hiện, toàn xã Thọ Điền mới thu hoạch được khoảng 7 ha mía.
Ông Nguyễn Đăng Nhàn - Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho biết: "Toàn xã sản xuất gần 27 ha mía, trung bình mỗi năm, làng mía Thọ Điền cung cấp ra thị trường gần 150 tấn mật thương phẩm, mang về cho người dân khoảng 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, khác với những năm trước, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm mật gặp nhiều khó khăn. Hiện, toàn xã mới thu hoạch được khoảng 7 ha mía.
Đồng hành cùng người dân, địa phương đã hướng dẫn bà con sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo... linh hoạt kết nối thị trường để tìm kiếm khách hàng. Với cách làm này, hầu hết bà con làng mật đều đã chốt được một lượng đơn khá lớn vào dịp Tết âm lịch. Có thể nói, đây là phương thức bán hàng hiệu quả cho bà con trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp".