Xác định công nghiệp – xây dựng là lĩnh vực trọng điểm, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, ưu tiên nguồn vốn cho các doanh nghiệp đầu tư.
Đặc biệt, ngành Công nghiệp Hà Tĩnh thời gian qua ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, tạo dư địa để các ngân hàng tăng trưởng tín dụng.
Năm 2024 tiếp tục ghi nhận nhiều thắng lợi của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trần Châu - Viết Hải (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) khi có nhiều tiềm năng phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm gạch không nung, ống cống, bê tông...
Bà Trần Thị Thanh – Kế toán trưởng Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trần Châu - Viết Hải cho biết: “Trên địa bàn Hà Tĩnh đang triển khai hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia và của tỉnh, tạo dư địa để doanh nghiệp tăng quy mô sản xuất. Trong quá trình phát triển, đơn vị luôn được các ngân hàng lớn như: Vietcombank Hà Tĩnh, BIDV Hà Tĩnh cho vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ cũng như vốn lưu động phục vụ sản xuất – kinh doanh.
Đặc biệt, từ đầu năm lại nay, các ngân hàng đã 2 – 3 lần giảm lãi suất cho vay (lãi suất hiện chỉ từ 4 - 5%/năm), tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, công ty đã đạt doanh thu 96 tỷ đồng, hoàn thành 70% kế hoạch sản xuất của năm (cao hơn cùng kỳ năm 2023)”.
Ở lĩnh vực xây dựng, các "nhà băng" cũng đã tạo điều kiện cấp vốn cho các doanh nghiệp tham gia triển khai dự án. Công ty CP Tập đoàn Thành Huy (Cẩm Xuyên) chuyên xây lắp các công trình giao thông, tham gia các dự án trọng điểm thuộc nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Hiện nay, doanh nghiệp đang xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam và thực hiện nhiều dự án lớn tại Hà Tĩnh như: Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp, sửa chữa quốc lộ 8A; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8C; dự án xây dựng đường Hàm Nghi kéo dài (TP Hà Tĩnh)...
Năm 2024, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt khó khăn do chi phí vật liệu xây dựng cùng nhiều chi phí khác gia tăng. Trong khi đó, sức ép giải ngân vốn đầu tư công, đòi hỏi doanh nghiệp phải đẩy nhanh tiến độ thi công nên cần nguồn vốn đầu tư lớn. Công ty CP Tập đoàn Thành Huy đã được các ngân hàng cho vay vốn đầu tư mua sắm thêm máy móc, đảm bảo thi công các công trình đúng tiến độ, chất lượng.
Ông Dương Quốc Khánh – Trưởng phòng Doanh nghiệp (Vietcombank Hà Tĩnh) thông tin: "Công nghiệp – xây dựng là một trong những mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Vietcombank. Tính đến ngày 24/6/2024 tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt 14.571 tỷ đồng, trong đó dư nợ lĩnh vực công nghiệp – xây dựng đạt 60% tổng dư nợ".
Hiện nay, Bắc Á Bank Hà Tĩnh cũng đang triển khai các gói tín dụng phục vụ sản xuất – kinh doanh, trong đó có lĩnh vực công nghiệp – xây dựng với lãi suất khá ưu đãi. Cụ thể là: chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất chào mừng 30 năm thành lập Bắc Á Bank với hạn mức tín dụng 2.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 5,5%/năm; gói tín dụng trung – dài hạn với hạn mức 10.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay chỉ từ 5%/năm, chương trình tín dụng “Nhận vốn ưu đãi - Đón đầu thời cơ” với tổng hạn mức 5.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 6,6%/năm…
Theo ông Nguyễn Viết Cường - Phó Giám đốc Bắc Á Bank Hà Tĩnh: Cho vay xây dựng là một thế mạnh của Bắc Á Bank. Nhìn chung, doanh nghiệp xây lắp ở Hà Tĩnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô tài chính hạn hẹp nên việc ngân hàng tạo điều kiện bảo lãnh vốn giúp doanh nghiệp có tiềm lực triển khai các dự án và góp phần nâng tầm doanh nghiệp xây lắp Hà Tĩnh. Hiện nay, có hơn 100 doanh nghiệp xây lắp đang quan hệ tín dụng tại chi nhánh. Đồng hành với khối doanh nghiệp xây lắp, Bắc Á Bank đã tạo điều kiện nâng hạn mức cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp và đang thực hiện bảo lãnh vốn cho nhiều doanh nghiệp với tổng quy mô hàng trăm tỷ đồng.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Hà Tĩnh, tính đến giữa tháng 6/2024, dư nợ lĩnh vực công nghiệp – xây dựng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn đạt gần 22.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22,5% tổng dư nợ toàn địa bàn.
NHNN tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hoạt động tín dụng trên địa bàn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh, các động lực tăng trưởng; ưu tiên vốn cho khối doanh nghiệp công nghiệp - xây dựng kèm theo các chính sách tín dụng ưu đãi.
Tuy vậy, muốn tăng khả năng tiếp cận vốn, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp – xây dựng Hà Tĩnh nói riêng cần tiếp tục “nâng chất”. Theo đó, cần chú trọng đổi mới, tăng cường công tác quản trị - quản lý doanh nghiệp theo hướng hiện đại, vạch định đường hướng sản xuất – kinh doanh khoa học, hiệu quả gắn với tích trữ, đầu tư tài sản đảm bảo…