Từ năm 2010 về trước, gia đình anh Trần Văn Ân (tổ dân phố Xuân Hoà, thị trấn Lộc Hà) khởi đầu mô hình kinh tế nuôi tôm trong hồ đất với sự hỗ trợ vốn (300 triệu đồng) của Agribank Lộc Hà (thuộc Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh).
Có ngân hàng hậu thuẫn, cứ vụ này thu hoạch, gia đình lại thả nuôi lứa mới với quy mô không ngừng gia tăng. Năm 2013, anh Ân quyết định chuyển hướng sang nuôi tôm công nghệ cao để đảm bảo an toàn và gia tăng lợi nhuận. Từ 2 ha ban đầu, đến nay, gia đình đã thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao quy mô 10 ha. Mỗi năm anh thả nuôi 2 – 3 lứa tôm, mỗi lứa trên 4 triệu con, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng/năm.
Trang trại chăn nuôi lợn, gà liên kết và mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của gia đình chị Võ Thị Tân (thị trấn Hương Khê) cũng được “thai nghén” nhờ nguồn vốn của Agribank Hương Khê (thuộc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II).
Chị Tân nhớ lại: “Năm 2015, gia đình bắt tay làm trang trại ở xã Hương Trà. Ban đầu nguồn vốn còn hạn chế, Agribank Hương Khê đã tạo điều kiện cho chúng tôi vay vốn đầu tư chăn nuôi lợn thương phẩm liên kết quy mô 1.200 con/lứa. Những lứa nuôi thành công, tất toán nợ cũ, vợ chồng tôi lại mạnh dạn vay thêm vốn mở rộng quy mô chăn nuôi, kết hợp trồng dưa lưới trong nhà màng. Đến nay, chúng tôi đã sở hữu trang trại lợn thương phẩm quy mô 2.000 con/lứa, gà thương phẩm quy mô 1 vạn con/lứa và 2 nhà màng trồng dưa lưới diện tích 400 m2, mỗi năm thu lợi trên 1 tỷ đồng”.
“Chúng tôi đang có dư nợ 3,8 tỷ đồng tại Agribank Hương Khê và tới đây khi tất toán món nợ này sẽ đề xuất vay thêm vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi gà thương phẩm lên 2 vạn con/lứa theo hướng liên kết với doanh nghiệp” – chị Tân cho biết thêm.
Những năm qua, hàng ngàn hộ gia đình đã được Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II tiếp vốn xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, liên kết cũng có sự hậu thuẫn vững chắc từ “nhà băng” này.
Theo ông Võ Minh Mạnh – Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II, nông nghiệp – nông thôn là dư địa mà Agribank luôn hướng tới với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất. Hiện nay, chi nhánh đang triển khai gói tín dụng dành cho các sản phẩm OCOP quy mô 2.000 tỷ đồng, chương trình “tín dụng xanh” cùng nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất của tỉnh đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đến ngày 15/5/2024, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt trên 15.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tới 91%. Nguồn vốn của Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đã tiếp sức xây dựng nhiều mô hình kinh tế tiềm năng, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và từng bước đưa nền nông nghiệp Hà Tĩnh phát triển theo hướng hiện đại.
Ngoài hộ cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thu mua - chế biến thủy hải sản, chế biến lâm sản… đều được ngành Ngân hàng Hà Tĩnh hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất – kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Bà Võ Thị Hồng Minh – Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng và Thương mại Hà Tĩnh cho hay: “Hoạt động kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp, doanh nghiệp đã được BIDV Hà Tĩnh hỗ trợ về vốn từ những ngày đầu thành lập. Nhờ nguồn vốn ngân hàng, doanh nghiệp từng bước phát triển, tăng doanh thu, lợi nhuận và không ngừng nâng cao đời sống cho người lao động. Hiện các loại giống cây trồng Hà Tĩnh đã khẳng định thương hiệu, trở thành một đơn vị cung cấp giống uy tín trên thị trường. Thời điểm này đang vào vụ thu hoạch lúa xuân, chúng tôi đang được tiếp vốn quy mô hàng chục tỷ đồng để đầu tư thu mua lúa cho bà con tận chân ruộng, góp phần đảm bảo chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh”.
Không riêng các “ông lớn” Agribank, BIDV, Vietcombank…, các ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Tĩnh như: ACB, Bắc Á Bank, HDBank, MB Bank… cũng đã linh hoạt phát triển tín dụng đối với phân khúc khách hàng đầu tư các mô hình kinh tế nông nghiệp.
Ông Mai Lê Thuận – Giám đốc HDBank Hương Sơn (thuộc HDBank Hà Tĩnh) chia sẻ: “Dư nợ lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn của phòng giao dịch liên tục tăng trưởng với nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất. HDBank tiếp tục đẩy mạnh cho vay vốn đối với khách hàng đầu tư phát triển nông nghiệp dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: chăn nuôi hươu, chế biến nhung hươu, trồng cam, trồng rừng, thu mua – chế biến lâm sản…”
Nông nghiệp là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế Hà Tĩnh. Theo đó, phát triển tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là mục tiêu trọng điểm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đến cuối tháng 4/2024, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đạt trên 44.120 tỷ đồng, chiếm trên 46% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Ngoài các chương trình tín dụng thông thường, các ngân hàng trên địa bàn đã chủ động triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể như: cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị tỉnh giai đoạn 2019 - 2020; Quyết định số 868/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc quy định hướng dẫn trình tự, hồ sơ thủ tục thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng NTM; Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh NTM trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025…