Xây dựng các mô hình sản xuất bền vững
Cách đây hơn 1 tuần, bà Nguyễn Thị Chiến ở thôn Hữu Ninh (xã Thạch Mỹ) ra mắt mô hình nuôi lợn hữu cơ theo chuỗi liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm. Để có mô hình sinh kế này, bà Bình đã đăng ký hợp tác với doanh nghiệp, đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác và mạnh dạn đầu tư hơn 90 triệu đồng để làm chuồng trại, mua 2 lợn nái và 18 - 20 lợn thịt (mỗi lứa). Lợn sẽ được nuôi theo hướng không thuốc kháng sinh, không chất tạo nạc, không chất bảo quản, không chất tăng trọng...
Bà Nguyễn Thị Chiến (Thạch Mỹ) xây dựng mô hình liên kết nuôi lợn hữu cơ để ổn định sinh kế, cải thiện thu nhập.
Bà Chiến chia sẻ: “Với mong muốn có sinh kế ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, tôi đã chọn đầu tư nuôi lợn hữu cơ. Theo phương án sản xuất, 5 tháng nuôi ban đầu tôi sẽ có lợi nhuận 600 – 700 nghìn đồng/con/lứa (mua lợn giống của Quế Lâm) và sau này sẽ có lợi nhuận 1.500 - 1.600 nghìn đồng/con/lứa khi đã tự túc được con giống và nuôi 6 tháng. Ngoài hướng tới sản phẩm sạch, có lợi nhuận tốt, tôi sẽ gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, đảm đảm bảo mô hình phát triển bền vững”.
HTX nấm Quang Trung (Bình Lộc) mỗi năm cho doanh thu 2,3 - 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận gần 300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 14 lao động.
Mô hình của bà Chiến là mô hình sản xuất thứ 6 được thành lập trong năm nay ở Lộc Hà, nâng tổng số lên 599 mô hình (trong đó 134 mô hình lớn, 147 mô hình vừa, 319 mô hình nhỏ). Tiêu biểu như: dưa lưới Hiền Tiến ở xã Thạch Châu, nấm Quang Trung ở xã Bình An, lúa thương phẩm theo cánh đồng lớn ở xã Ích Hậu, chăn nuôi gà quy mô gần 40 nghìn con/lứa của HTX Tài Lực ở xã Bình An, nuôi lợn quy mô 2.400 con/lứa của HTX Tân Trường Sinh ở xã Thạch Mỹ...
Mô hình liên kết nuôi gà thương phẩm quy mô gần 40 nghìn con/lứa của HTX Tài Lực mỗi năm cho doanh thu trên 10 tỷ đồng, lợi nhuận 1,5 tỷ đồng.
Các mô hình kinh tế này đã góp phần quan trọng trọng thay đổi tư duy làm ăn từ manh mún, nhỏ lẻ sang hướng sản xuất hàng hóa, thúc đẩy KT-XH tại các địa phương và giúp các xã hoàn thành tiêu chí thu nhập (tiêu chí số 10).
Chăm lo phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững
Ông Phan Bá Ninh – cán bộ Văn phòng NTM huyện Lộc Hà cho biết: “Để nâng cao thu nhập cho người dân cũng như hoàn thành tiêu chí số 10, những năm qua, toàn huyện đã tập trung thực hiện hàng chục chính sách, quyết định hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất và đã cho kết quả tốt, đồng đều, toàn diện.
Trong đó, đáng chú ý nhất hiện nay là Nghị quyết số 66/NQ-HĐND ngày 22/7/2022 của HĐND huyện Lộc Hà về ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM, đô thị văn minh và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 – 2025 và đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đọan 2022 – 2025”.
Lạc là một trong 3 sản phẩm chủ lực (lạc, lợn, tôm) trong nền sản xuất nông nghiệp ở huyện Lộc Hà (Ảnh tư liệu).
Nhờ “thẩm thấu” tốt các chính sách hỗ trợ nên bức tranh sản xuất ở Lộc Hà đã có sự đổi thay căn bản. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp đạt 8.000 ha/năm, cơ cấu giống và mùa vụ dịch chuyển tích cực, giá trị sản xuất bình quân đạt 95 triệu đồng/ha. Chăn nuôi được đầu tư theo hướng chuyên sâu, liên kết, đảm bảo an toàn và hiện đang có gần 11 nghìn con trâu bò, 10 nghìn con lợn, 290 nghìn con gia cầm. Nuôi trồng thủy sản đạt diện tích 610 ha, trọng tâm là nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao. Hoạt động khai thác thủy sản có 349 chiếc tàu thuyền, sản lượng đánh bắt năm nay phấn đấu đạt trên 5.000 tấn, cho giá trị trên 300 tỷ đồng...
Nông dân Thịnh Lộc nỗ lực trên đồng ruộng để cải thiện thu nhập.
Công tác phát triển sản xuất cũng được gắn với đào tạo lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Anh Nguyễn Ngọc Thạch - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lộc Hà thông tin: “Hiện nay, trên địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 2,6% (giảm 8,5% so với năm 2016), cận nghèo còn 3,2% (giảm 7,6% so với năm 2016). Để có kết quả đó, bình quân mỗi năm huyện mở 8 - 9 lớp dạy nghề cho 250 - 300 lao động nông thôn, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 79%. Ngoài giải quyết việc làm cho 1.600 - 1.700 lao động/năm, người dân còn được khuyến khích đi xuất khẩu lao động và hiện đang có 6.602 người ở nước ngoài, mỗi năm gửi về hàng trăm tỷ đồng”.
Ông Phan Bá Ninh - cán bộ Văn phòng NTM huyện Lộc Hà khẳng định: “Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp, giải pháp để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nên đến thời điểm này tất cả 11 xã đều đã hoàn thành tiêu chí thu nhập. Thu nhập bình quân đầu người chung toàn huyện năm 2022 ước đạt trên 46 triệu đồng/người/năm, tăng 4,4 lần so với năm 2010; người dân tất cả các xã đều có mức thu nhập trên 40 triệu đồng/người/năm, riêng các khu vực thương mại – dịch vụ phát triển đạt gần 49 triệu đồng/người/năm”.