Vụ xuân 2024, xã Bùi La Nhân sản xuất gần 560 ha lúa, chủ lực là các giống: Bắc Thịnh, Hana số 7, Hương Bình, Lai thơm 6, Nếp 98... Thống kê bước đầu cho thấy, năng suất lúa bình quân ước đạt 64,5 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, thắng lợi của vụ xuân năm nay chính là nhờ vào cuộc chuyển đổi ruộng đất trên diện rộng, tạo bước ngoặt mới trong sản xuất lúa gạo trên vùng đất thâm canh.
Ông Bùi Trung Tín - Phó Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân cho biết: "Chúng tôi bắt đầu thu hoạch rộ từ ngày 7/5, qua đánh giá bước đầu, lúa xuân 2024 chín đều, năng suất đạt cao, thu hoạch nhanh gọn. Trước vụ sản xuất, xã đã làm tốt công tác chuyển đổi ruộng đất, hiện nay, 350 ha ruộng không còn bờ thửa nhỏ, 90% hộ sản xuất trên 1 vùng với diện tích tối thiểu 5 ha/vùng, có nơi 15 - 20 ha/vùng. Điều này tạo điều kiện để bà con tập trung đầu tư sản xuất, phát triển thương hiệu gạo địa phương và tiến tới liên kết các chuỗi sản xuất của toàn huyện".
Khẩn trương bốc những bao lúa nặng trĩu trên cánh đồng mới, bà Trần Thị Đào (thôn Triều Đông - xã Bùi La Nhân) phấn khởi: "Vụ xuân năm nay là vụ đầu tiên gia đình chúng tôi sản xuất trên cánh lớn sau chuyển đổi ruộng đất. 1,2 mẫu ruộng của gia đình đã được tập trung trên cùng một vùng nên quá trình sản xuất hết sức thuận lợi. Nếu như trước, để gieo hết diện tích, chúng tôi phải mất 5 - 7 ngày, thu hoạch cũng vậy nhưng nay chỉ trong 1 buổi là xong. Năm nay, 100% diện tích tôi gieo cấy lúa Hương Bình, ít sâu bệnh, năng suất ước đạt 3,2 tạ/sào".
Cũng như ở Bùi La Nhân, những ngày này, cánh đồng của xã Lâm Trung Thủy luôn rộn ràng bởi hàng chục máy gặt đập liên hợp đang hoạt động để thu hoạch hơn 900 ha lúa trước ngày 15/5.
Là một trong những địa phương đầu tiên của huyện thực hiện phá bỏ bờ thửa nhỏ, xây dựng cánh đồng lớn và thực hiện tập trung ruộng đất, đến nay, xã đã quy hoạch được 5 vùng cánh đồng lớn với tổng diện tích 400 ha. Trên địa bàn còn có HTX nông sản Đức Lâm, chuyên thu mua và chế biến gạo chất lượng cao. HTX thu mua khoảng 20.000 tấn lúa/năm (chiếm 30% sản lượng lúa của toàn xã) cho bà con nông dân, tạo thị trường tiêu thụ ổn định.
Sau chuyển đổi ruộng đất, xã cơ cấu các giống lúa chất lượng cao như: Bắc Thịnh, Thái Xuyên 111, VNR 20, Nếp 97, Nếp 98... tạo sự đồng nhất về thời vụ, thu hoạch và chất lượng sản phẩm. Chị Lê Thị Thanh Hương (thôn Trung Khánh, xã Lâm Trung Thủy) cho biết: "Vụ xuân 2024, gia đình tôi gieo cấy 1,5 mẫu lúa. Nhờ thời tiết thuận lợi, đặc biệt là chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất đã tạo ra những cánh đồng lớn sản xuất cùng một giống, một thời vụ đã giúp bà con thuận lợi từ sản xuất đến thu hoạch. Đến nay, tôi đã thu hoạch được 8 sào và đang cố gắng thu hoạch xong trong vài ngày tới".
Theo Phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ, vụ xuân 2024, huyện sản xuất 6.200 ha lúa. Thực hiện mạnh mẽ chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi ruộng đất cơ bản tại 13/16 xã thị trấn, đạt 85% diện tích sản xuất nông nghiệp (gần 5.000 ha). Thời điểm này, hầu hết các địa phương đã bước vào thu hoạch đại trà lúa vụ xuân 2024. Theo bà con nông dân, canh tác trên cánh đồng tập trung không chỉ tiết kiệm chi phí, thời gian mà việc sản xuất 1 loại giống/cánh đồng đã hạn chế đáng kể tình hình sâu bệnh phá hại, năng suất lúa được nâng lên rõ rệt.
Theo đánh giá, năng suất bình quân lúa xuân toàn huyện ước đạt 64,5 tạ/ha, tăng 10 tạ/ha so với trước khi thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất.
Hiện 100% trà lúa xuân của huyện Đức Thọ đã chín rộ. UBND dân huyện đã ban hành công văn yêu cầu chính quyền các địa phương đốc thúc bà con nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động tối đa nhân lực, máy móc, phương tiện tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân, phấn đấu hoàn thành thu hoạch trước ngày 15/5 tới; chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các điều kiện để chuẩn bị triển khai sản xuất vụ hè thu với tinh thần thu hoạch vụ xuân đến đâu, triển khai sản xuất hè thu đến đó.