Người dân sử dụng lưới "bát quái" đánh bắt thủy sản trên các tuyến sông
Hủy hoại nguồn lợi thủy sản ven bờ
Xã Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên) có khoảng 40 hộ làm nghề khai thác thủy sản thì trong đó có 15 hộ sử dụng lưới "bát quái” để đánh bắt. Chiều tối, họ dùng thuyền đi dọc tuyến sông từ Cầu Họ xuống tận Cửa Nhượng để đặt lưới. Sáng sớm hôm sau kéo lưới lên, mang "chiến lợi phẩm" đi bán.
Ông Hoàng Kim Túy – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Phúc, cho biết: Hầu hết, những người dân làm nghề này đều ở thôn 6. Mỗi thuyền có từ 30 – 50 lưới để đánh bắt các loại thủy sản. Trước đây, thu nhập từ nghề này khá cao nhưng giờ không ăn thua, nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt do hình thức đánh bắt kiểu tận diệt này.
“Đây được xem là hình thức đánh bắt hủy hoại nguồn lợi thủy sản, nói "tận diệt" là bởi, bất cứ loài gì, lớn hay bé, mỗi khi đã vướng vào lưới bát quái là coi như chấm hết. Với đà này, nếu không kịp thời có giải pháp ngăn chặn quyết liệt, một ngày không xa, chẳng còn loài thủy sản gì cho bà con khai thác” – ông Túy nói.
Lưới "bát quái" được bán với giá từ 250 đến 270 nghìn đồng/cái, dài khoảng 8m
Ở thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ (Lộc Hà) cũng có khá nhiều hộ dân tham gia đánh bắt dọc tuyến sông Cửa Sót bằng hình thức này. Người dân chỉ việc ra sông, đặt lưới xuống chờ tất cả các loại tôm, cá, cua, ếch, chạch, lươn… chui vào. Khi thu gom về, các thương lái đến tận bến mua "trọn gói". Chỉ sau một đêm, mỗi thuyền có thể kiếm được 500 - 800 nghìn đồng.
Các loại thủy sản từ bé đến lớn đã chui vào lưới "bát quái" đều "không lối thoát"
Theo một số ngư dân, lưới "bát quái” có xuất xứ từ Trung Quốc, dài khoảng 8m, mỗi mắt lưới có một lỗ nhỏ để các loại thủy sản chui vào thì dễ mà ra thì khó. Lưới được bán tại các chợ với giá từ 250 đến 270 nghìn đồng/cái.
Anh Trần Văn Quý - phụ trách Phòng Thanh Tra – Pháp chế Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: Tình trạng đánh bắt thủy sản bằng lưới "bát quái" trên địa bàn tỉnh khá phổ biến, đặc biệt ở hầu hết trên các tuyến sông... làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt.
"Chiếc gậy pháp lý"
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 51/QĐ-UBND, ngày 17/11/2017 về quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại bờ biển ven bờ, trong đó, nghiêm cấm nghề lờ dây (nghề bát quái Trung Quốc) khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng nước nội địa.
Ngư dân Thạch Hà được phổ biến các quy định trong khai thác thủy sản
Để nâng cao nhận thức cho ngư dân, gần đây, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC 68) Công an tỉnh tổ chức nhiều đợt tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các quy định trong hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, phổ biến về hành vi vi phạm khi sử dụng lưới "bát quái" để đánh bắt thủy sản cho 400 người dân ở 10 xã, phường thuộc các huyện Lộc Hà, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh, đồng thời ký cam kết không vi phạm theo quy định.
Ông Hoàng Kim Túy - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Phúc, cho biết thêm: "Sau khi có quyết định cấm khai thác bằng nghề bát quái, bước đầu xã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân để họ có thời gian chuyển đổi phương thức đánh bắt khác, nhằm ổn định cuộc sống. Nếu các hộ vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ có biện pháp ngăn chặn, xử lý".
Người dân vẫn chưa nắm rõ được quy định nghiêm cấm khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng nước nội địa bằng lưới bát quái nên tiếp tục vi phạm
Văn bản pháp lý với đầy đủ các chế tài, giải pháp được ban hành, các địa phương và lực lượng chức năng đã có trong tay "chiếc gậy pháp lý" để vào cuộc đấu tranh, ngăn chặn nạn đánh bắt tàn phá ngư trường này một cách quyết liệt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay, người dân vẫn chưa nắm rõ được quy định và còn nhiều trường hợp vi phạm, thậm chí có chiều hướng gia tăng.
“Công tác tuyên truyền trước mắt chỉ là bước khởi động để nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân về các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác thủy sản. Thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng cùng chính quyền các xã ven biển, ven sông tăng cường rà soát, kiểm tra chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định” – anh Trần Văn Quý cho biết thêm.