Bọc quả, dùng dây giằng néo là những biện pháp được người dân xã Đức Liên tập trung thực hiện để bảo vệ cam.
Đang nhanh tay bảo vệ vườn cam rộng hơn 2 ha, chị Hoàng Thị Bích (thôn Bình Quang, xã Đức Liên) cho biết: “2 hôm nay, gia đình tôi phải huy động tối đa nhân lực để bảo vệ cam trước dự báo có mưa lớn kéo dài. Đến thời điểm này, chúng tôi đã mua gần 60 nghìn bao bọc để làm “áo giáp” bảo vệ quả và gần 50 kg dây để giằng néo cho cây”.
Cũng theo chị Bích, khoảng hơn 1 tháng nữa, vườn cam của gia đình sẽ thu hoạch, năm nay nhờ chăm sóc tốt, áp dụng quy trình trồng theo hướng hữu cơ nên năng suất và chất lượng cam được nâng lên, nếu thuận lợi, vụ này gia đình sẽ thu về hơn 20 tấn quả, cao hơn năm ngoái 4 tấn.
Nhiều hộ dân ở xã Đức Liên dùng lưới để bảo vệ cam trước mưa to, gió lớn.
Anh Nguyễn Văn Tuấn - cùng thôn với chị Bích cho hay: "Gia đình tôi hiện có 1,5 ha cam cho quả, năm nay thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ đậu quả cao, ước thu khoảng khoảng 14 tấn vào cuối vụ. Khi nghe tin có mưa lớn, gia đình đã huy động các thành viên chủ động chống đỡ cho cây, cố định những cành quả nhiều để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lớn gây ra. Đặc biệt, gia đình cũng đã mua thêm lưới để bảo vệ quả trước mưa to, gió lớn”.
Vườn cam của ông Nguyễn Văn Tịnh (thôn 1, xã Quang Thọ) bị rụng quả sau đợt mưa lớn ngày 8/10 vừa qua.
Thời điểm này, hầu hết các hộ trồng cam trên địa bàn Vũ Quang đều đang tất bật triển khai các giải pháp để bảo toàn năng suất cuối vụ.
Ông Nguyễn Văn Tịnh (thôn 1, xã Quang Thọ) cho biết: “Vườn cam của gia đình tôi rộng 2 ha, bị rụng quả liên tục do đợt mưa lớn ngày 8/10 gây ra. Thay vì để như trước, hai hôm nay, gia đình tôi đã mua gần 45 nghìn bao bọc về bọc quả. Ngoài ra, tôi còn dùng các loại cọc tre, gỗ để chằng néo những cây sai quả ở khu vực đồi cao nhằm giảm nguy cơ gãy đổ và tích cực khơi thông dòng chảy ở những vùng nguy cơ ngập úng".
Việc bảo vệ cam trước mưa lớn nhằm đảm bảo năng suất cuối vụ.
Ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Quang Thọ cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có trên 400 ha cam, trong đó có khoảng 350 ha đang thời kỳ cho quả. Để đảm bảo năng suất cuối vụ cho bà con, ngay khi huyện có văn bản chỉ đạo ứng phó với mưa lớn diện rộng, xã đã cho họp các thôn, kịp thời hướng dẫn người dân cách chống đỡ cho cây, chủ động tạo rãnh tiêu úng đối với những diện tích trồng ở vùng đất vườn”.
Cũng theo ông Cường, đến thời điểm này, các hộ trồng cam trên địa bàn đã hoàn tất việc bảo vệ các diện tích cam của gia đình. Tất cả đều tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Vũ Quang, toàn huyện có gần 2.300 ha cam, trong đó gần 1.700 ha cho thu hoạch. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi, cộng với việc người dân chủ động chăm sóc, chống hạn và tuân thủ các hướng dẫn kỹ thuật trồng của ngành chuyên môn nên cam đậu quả cao, ước tính vụ cam năm nay toàn huyện thu về khoảng trên 20.000 tấn quả.
Ông Nguyễn Xuân Nam - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết: “Còn khoảng 1 tháng nữa là vựa cam của địa phương sẽ bước vào vụ thu hoạch, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cam rụng, đổ gãy do mưa lớn, phòng đã chỉ đạo các địa phương tập trung hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp như: đào rãnh tiêu nước, dùng cọc tre, dây để chống đỡ, dùng túi bọc và lưới để bảo vệ cho cam nhằm hạn chế rụng quả do mưa lũ.
Bên cạnh đó, phòng cũng đã khuyến cáo người dân ngay sau khi mưa dứt, cần chủ động thăm nom để kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh thường xuất hiện sau mưa, nhất là bệnh nấm thối".