Con muốn làm smartphone của mẹ là cuốn sách tranh dành cho thiếu nhi của tác giả Nobumi. Dù được viết cho trẻ em nhưng ấn phẩm lại là lời cảnh tỉnh đối với cha mẹ trong "thời đại smartphone" này.Kantarou đang học mẫu giáo, em rất chăm chỉ và ngoan ngoãn. Em rất muốn mẹ chú ý đến mình, nhưng khi Kantarou gọi mẹ thì mẹ chỉ chú ý đến chiếc điện thoại, mà không hề trả lời em.
Kantarou rất nhiều lần tự hỏi, điện thoại có gì mà khiến mẹ chú ý và thích thú đến vậy?
Bìa sách Con muốn làm smartphone của mẹ, xuất bản năm 2018. |
Và Kantarou đã nghĩ ra một ý tưởng rất hay khi tự tạo cho mình một vương quốc cấm điện thoại bằng thùng các tông. Đây là thế giới không được mang điện thoại vào, cũng không có tivi, và không có em bé. Nếu mẹ bước vào thế giới này, mẹ sẽ chỉ được chú ý đến Katarou thôi.
Dẫu chỉ mới bước vào tuổi mẫu giáo nhưng Katarou rất nhạy cảm. Vì mẹ không chú ý đến Kantarou, em rất buồn nhưng em không muốn trở thành một đứa trẻ ghét người mẹ của mình. Do đó, Kantarou ước được trở thành chiếc điện thoại của mẹ, để có thể luôn được mẹ chú ý, ôm ấp, yêu thương.
Những bức tranh minh họa nhiều màu sắc, sinh động khiến trẻ thích thú. |
“Hãy nhìn con đi”.
Câu nói lặp đi lặp lại của Kantarou thật khiến người lớn giật mình. Thực tế hiện nay smartphone đã dần xâm chiếm toàn bộ cuộc sống bình thường. Cha mẹ có mặt ở nhà, có mặt bên con, nhưng lại không dành cho con những khoảng thời gian chất lượng, tức là không có sự tương tác với con.
Trẻ con, đặc biệt ở độ tuổi mẫu giáo, khái niệm yêu thích của chúng, được thể hiện bằng việc bạn dành bao nhiêu thời gian để chơi với chúng. Nhưng cũng như người mẹ trong cuốn sách, rất nhiều bà mẹ hiện đại ở cạnh con, nhưng chưa từng chơi với con.
Trong một bài phỏng vấn, tác giả đã chia sẻ rằng, anh hoàn toàn không sáng tác cuốn sách này để đổ lỗi cho các bà mẹ trong việc dùng Smartphone. Theo anh, “Có nhiều người phụ nữ phải làm quá nhiều việc nhà có xu hướng dùng điện thoại để giải trí, giảm bớt căng thẳng. Nhưng thực tế, sóng alpha phát ra khi sử dụng sẽ chỉ càng khiến tâm trí con người thêm mệt mỏi.”
Đồng cảm với cha mẹ, nhưng anh cũng khẳng định rằng, điều quan trọng trong Con muốn làm Smartphone của mẹ mà mình muốn truyền tải chính là tình yêu thương.
Tình yêu thương là sợi dây kết nối giúp mẹ hiểu được tâm tư Kantarou, cũng là động cơ khiến Kantarou có ước muốn trở thành chiếc điện thoại của mẹ. Đừng để chiếc smartphone trở thành bức tường, khiến cha mẹ và con cái xa cách nhau.
Đừng để chiếc smartphone trở thành bức tường, khiến cha mẹ và con cái xa cách nhau. |
Sau cùng Kantarou đã có cơ hội được nói lên nỗi lòng của em bấy lâu nay cùng mẹ. Khi lắng nghe điều em nói, mẹ đã tự hứa với mình rằng, trước mặt Kantarou sẽ không dùng điện thoại nữa, hai mẹ con sẽ cùng làm việc nhà, cùng chơi xếp hình, và chăm em bé. Những giây phút ấy thật hạnh phúc.
Con muốn làm Smartphone của mẹ, với những khoảnh khắc cảm động, đã tạo nên một mối liên kết tuyệt đẹp giữa cha mẹ và con cái trong thời hiện đại. Đó là cuốn sách có thể khiến trái tim trở nên ấm áp, dịu dàng.
Tác giả Nobumi sáng tác cuốn sách tranh Con muốn làm Smartphone của mẹ dựa trên câu chuyện được kể trên báo của một học sinh tiểu học ở Singapore.
Được sáng tạo cho trẻ mẫu giáo nên cốt truyện rất đơn giản, phần tranh được thể hiện đầy sắc màu nhằm lôi cuốn sự chú ý của trẻ. Ngoài phần truyện chính, trong trang bìa cuối của cuốn sách còn có một đoạn tranh truyện rất ngẫu hứng, hài hước tạo nên sự thích thú.
Tác giả Nobumi sinh năm 1978, anh đã từng xuất bản 160 bộ sách tranh, trong đó có những bộ sách tranh dài tập như Công chúa vườn trẻ, Quái vật Yowamushi, Mẹ tôi biến thành ma… Bộ sách nào của anh cũng được độc giả đón nhận và yêu thích. Hiện anh sống và làm việc tại Tokyo, Nhật Bản.