Miễn giảm học phí cho HS-SV theo Nghị định 49: Chi trả chậm, thủ tục rườm rà!

Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có hiệu lực đến nay đã tròn 3 năm. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện nghị định trên địa bàn đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước mà còn gây phiền hà, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm ngàn đối tượng...

Tính đến 24/6/2013, Sở Tài chính đã cấp ứng 11 đợt với tổng số tiền trên 182.835 triệu đồng cho các huyện, thị xã, thành phố để chi trả cho các đối tượng theo tinh thần Nghị định 49 của Chính phủ. Đã có 152.300 lượt đối tượng được hỗ trợ kinh phí học tập và 34.405 lượt học sinh, sinh viên (HS-SV) được miễn giảm học phí.

Phần thi thực hành, kỳ thi tốt nghiệp của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Hà Tĩnh.
Phần thi thực hành, kỳ thi tốt nghiệp của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Hà Tĩnh.

Theo Thông tư hướng dẫn số 29 ngày 14/5/2010 của liên Bộ Tài chính - GD&ĐT–LĐ-TB&XH thì các đối tượng thụ hưởng sẽ nhận được tiền cấp bù miễn, giảm học phí chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày phòng LĐ-TB&XH nhận được hồ sơ đề nghị. Thế nhưng, thực tế cho thấy, tất cả các địa phương trong tỉnh đều chi trả chậm hơn rất nhiều so với quy định. Đến nay, địa phương nào triển khai nhanh thì đã trả được kỳ I năm học 2012-2013; những địa phương vào cuộc thiếu tích cực thì các đối tượng mới nhận được tiền của năm học 2011-2012.

Trao đổi về vấn đề này, bà Phan Thị Hồng Trang - Phó phòng Ngân sách huyện xã (Sở Tài chính) cho biết: “Dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng đây là chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa đặc biệt nên tỉnh luôn ưu tiên và cấp đủ theo nhu cầu của các địa phương. Việc chi trả tiền miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho HS-SV trên địa bàn thực hiện chậm do rất nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân khá căn bản là do phòng LĐ-TB&XH cấp huyện đang quá tải...”.

Chuyên viên phụ trách việc thực hiện Nghị định 49 của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hương Khê - Nguyễn Xuân Thái cũng cho rằng: số lượng cán bộ của các phòng LĐ-TB&XH chỉ khoảng 7-9 người nhưng phải thực hiện rất nhiều các chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Nay lại phải tiếp nhận thêm việc giải quyết hồ sơ và xử lý thanh quyết toán tiền cấp bù miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho HS-SV nên rất vất vả. Do số lượng hồ sơ nhiều, khối lượng công việc lớn, người ít nên việc duyệt hồ sơ chậm, chi trả không đúng tiến độ, chi trả sai mức hỗ trợ, thậm chí là sai đối tượng là điều khó tránh khỏi....

Có thể khẳng định rằng, Nghị định 49 của Chính phủ là một chính sách an sinh xã hội đúng, hợp lòng dân, tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều phiền hà, rắc rối cho đối tượng. Quá trình duyệt hồ sơ là một vòng luẩn quẩn, trong đó có những loại giấy tờ gần như có nội dung, yêu cầu giống nhau. Thay vì thực hiện miễn giảm đơn giản ngay tại trường thì lại thực hiện theo quy trình làm thủ tục tại xã, nộp ở trường và làm hồ sơ, chi trả lòng vòng.

Ông Phan Hữu Tuất – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà cho rằng: “Thực hiện theo Nghị định 49 thì Nhà nước sẽ cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho các SV để các đối tượng này đóng học phí cho nhà trường. Như vậy, HS-SV các trường công lập phải đóng 100% học phí tại trường, sau đó nhận lại khoản học phí đó tại phòng LĐ-TB&XH huyện. Do không miễn học phí trực tiếp ngay tại trường mà thực hiện đóng học phí rồi về địa phương xin cấp bù học phí khiến phát sinh nhiều khó khăn cho SV, gia đình và cả cơ quan chuyên môn thực hiện”.

Được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước là một nguồn động viên, khích lệ lớn, tạo động lực giúp HS-SV thực hiện ước mơ đến trường. Thế nhưng, do quá trình triển khai có nhiều bất cập nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, nguyện vọng của những đối tượng thụ hưởng cũng như ý nghĩa của chính sách giàu tính nhân văn này. Để có tiền đóng học phí gấp rút cho con, hầu hết các gia đình phải “giật gấu, vá vai”, “vay nợ, đợ tạm” nhưng tiền hoàn trả thì phải chờ tháng này qua năm khác.

Ông Nguyễn Danh (thương binh ở Lộc Hà) bức xúc: Vào đầu năm 2012, chính quyền địa phương có yêu cầu mang toàn bộ giấy tờ có liên quan đến kiểm tra, nhưng sau đó lại làm mất biên lai học phí của con ông đang học đại học. Để nhận lại tiền, gia đình phải đến Phòng LĐ-TB&XH huyện nhiều lần; ngoài trường, cháu cũng phải mất nhiều thời gian mới xin lại được biên lai. Để nhận được học phí của kỳ I năm học 2011-2012, chúng tôi phải chờ đợi mất hơn một năm rưỡi. Như thế là quá rườm rà, phiền phức và quyền lợi của đối tượng chưa được đảm bảo...

Từ thực tế những gì đang xẩy ra đã cho thấy, triển khai Nghị định 49 của Chính phủ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Hàng trăm ngàn đối tượng thụ hưởng và các cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ thực hiện đang mong chờ Chính phủ sớm sửa đổi. Nhưng để chờ đến khi có quy định mới thì các cơ quan hữu quan cần có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ hơn nữa để các đối tượng thụ hưởng không bị thiệt thòi quyền lợi.

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.