Cán bộ kỹ thuật bàn giao hạt giống dưa đỏ Hắc Mỹ Nhân cho đại diện Hội quán Sản xuất dưa an toàn xã Thịnh Lộc để chuẩn bị gieo trỉa trọng vụ hè thu sắp tới
Mặc dù ra mắt và đi vào hoạt động trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, nhưng mô hình Hội quán Sản xuất dưa an toàn xã Thịnh Lộc, Lộc Hà (ra mắt ngày 17/2/2020) đã bước đầu có những hoạt động tích cực.
Hội quán được tổ chức ban đầu gồm 38 thành viên (1 hội trưởng, 2 hội phó, 35 thành viên), sinh hoạt tại hội quán thôn Nam Sơn. Đây là mô hình hội quán đầu tiên của Hà Tĩnh được thành lập trên cơ sở học tập kinh nghiệm từ mô hình ở Đồng Tháp.
“Những năm qua, trên vùng đất cát bạc màu ven biển, người dân thôn Nam Sơn từ chỗ chuyên canh cây lạc đã chuyển sang trồng dưa lê, dưa đỏ cho năng suất, hiệu quả cao gấp 3 lần. Sản xuất dưa hiệu quả như vậy, nhưng đang theo kiểu tự phát, mỗi nhà làm một cách theo “kinh nghiệm”, nên ngay trên cùng một cánh đồng nhưng cũng có nhà cho thu nhập cao, có nhà dưa không đậu quả” – ông Trương Hoành, Hội trưởng Hội quán cho biết.
Lãnh đạo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và huyện Lộc Hà tặng hoa chúc mừng hội viên Hội quán Sản xuất dưa an toàn xã Thịnh Lộc (ngày 17/2/2020).
Theo ông Hoành, sau khi có chủ trương của huyện, của xã về việc thành lập Hội quán Sản xuất dưa an toàn để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, tập trung mở rộng diện tích trồng dưa, các hộ sản xuất trong thôn ai cũng hồ hởi, đăng ký tham gia. Trên tổng diện tích 2 ha của các hộ dân, huyện và xã đã hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật. Mục tiêu cụ thể của hội quán là sản xuất “dưa sạch”, đưa thương hiệu dưa Thịnh Lộc đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và có mặt trong các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
“Mặc dù vụ dưa năm nay không được mùa, nhưng chúng tôi đã tích lũy thêm bài học kinh nghiệm trong sản xuất, đặc biệt là “nói không” với việc phun thuốc bảo vệ thực vật lên cây trong thời điểm không an toàn (khi cây đã ra quả), trung thành với tiêu chí hoạt động của hội “Tất cả vì cộng đồng, vì cộng đồng mà phát triển” – ông Hoành cho hay.
Sản xuất nước mắm bằng công nghệ năng lượng mặt trời tại HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương
Thực hiện chủ trương của tỉnh, đầu năm 2020, Hội Chế biến thủy hải sản Kỳ Anh được thành lập và từng bước đi vào hoạt động.
Bà Lê Thị Khương – thành viên Ban Chủ nhiệm lâm thời Hội Chế biến thủy hải sản Kỳ Anh cho biết, đến nay, hội đã kết nạp được 30 hội viên. Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, toàn thể hội viên đã chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tổ chức tham gia các hội chợ thương mại, quảng bá sản phẩm. Hội quán còn là nơi để các hội việc chia sẻ tâm tư tình cảm, tham gia các hoạt động xã hội.
“Mục tiêu trong thời gian tới của hội nhằm xây dựng thương hiệu chế biến thủy sản Kỳ Anh ngày càng nổi tiếng trong và ngoài nước, cùng nhau “chia sẻ, liên kết - hợp tácˮ, để thực hiện việc “mua chung, bán chungˮ, góp phần “giảm chi phí - tăng chất lượng” – bà Khương cho hay.
Các thành viên Hội Chế biến thủy hải sản Kỳ Anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tổ chức tham gia các hội chợ thương mại...
Phó Chánh Văn phòng NTM tỉnh Nguyễn Hữu Dực cho biết, mô hình hội quán đã được Hà Tĩnh triển khai thí điểm ở Thịnh Lộc và trong tháng 6 này dự kiến ra mắt 2 mô hình tại huyện Kỳ Anh và Hương Sơn.
Đặc trưng của mô hình này là sự tự nguyện tham gia của người dân, không biên chế, không ngân sách, hoạt động đơn thuần là hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Nhằm tạo điều kiện cho các hội quán hoạt động, chính quyền các cấp sẽ có những hỗ trợ ban đầu như: Địa điểm, giống, phân bón, đặc biệt là hướng dẫn kỹ thuật …
Trong tháng 6 dự kiến sẽ ra mắt Hội quán Chăn nuôi hươu tại Hương Sơn
Với những kết quả ban đầu ở Hà Tĩnh cho thấy, đây sẽ là mô hình được kỳ vọng có những kết quả khả quan, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phát triển sản xuất theo hình thức cộng đồng, cùng nhau “Chia sẻ - Liên kết - Hợp tácˮ.