Mở lòng kênh, nạo vét đáy - hiệu quả thấy rõ của dự án tiêu thoát lũ Bắc Thạch Hà

(Baohatinh.vn) - Tình cảnh chạy lũ mỗi mùa mưa bão đến của các xã phía Bắc Thạch Hà đã chấm dứt từ năm 2020 lại nay khi dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và thoát lũ cho vùng Bắc Thạch Hà (Hà Tĩnh) hoàn thành, đưa vào khai thác.

Thở phào “thoát lũ”

Thạch Ngọc là xã bán sơn địa, địa hình dốc và có nhiều tuyến kênh. Bởi vậy, mỗi khi mưa lớn, nước từ các đồi núi, nhất là ở xã giáp ranh là Sơn Lộc (Can Lộc), Ngọc Sơn (Thạch Hà) chảy dồn về khá mạnh. Hàng chục năm qua, người dân trên địa bàn rất vất vả vào mùa mưa bởi tình trạng “chưa mưa đã ngập” thường xuyên lặp lại, gây nhiều tổn thất trong đời sống và sản xuất.

z5875301943387_ac56c10108dc98dd8ad76c8dc446ddc7.jpg
Là vùng bán sơn địa và chịu tác động từ vùng đồi núi các xã lân cận, Thạch Ngọc trước đây thường xuyên chịu ngập lụt do nước đổ dồn về địa bàn rất nhanh.

Bà Trần Thị Hồng – Trưởng thôn Mộc Hải – một trong những thôn trước đây thường xuyên bị ngập vào mùa mưa cho hay: “Thôn có 160 hộ, trước năm 2020, khi hệ thống kênh của dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và thoát lũ cho vùng Bắc Thạch Hà (viết tắt là dự án AFD) chưa đưa vào vận hành thì thôn hàng năm phải chống chọi với tình trạng ngập lụt. Cứ tháng 8 trở đi, hễ có mưa là bà con lại phải lo phòng chống ngập. Trong thôn có khoảng 35 hộ thường xuyên bị ngập. Trong đó, trận lũ năm 2010, thôn hầu như bị ngập toàn bộ, đường trục thôn ngập ngang bụng, hàng chục hộ dân bị cô lập, nhiều nhà bị nước vào hơn 1m. Tình trạng ngập lụt hàng năm đã gây nhiều khó khăn cho người dân, nhất là vào thời điểm thu hoạch lúa hè thu. Bởi vậy, hàng năm, người dân thường phải lo gặt chạy lũ, chấp nhận “xanh nhà hơn già đồng”.

“Tuy nhiên, từ khi năm 2020 đến nay, trên địa bàn thôn không xảy ra ngập lụt. Nhân dân không còn thấp thỏm mỗi mùa mưa đến và rất thừa nhận hiệu quả thiết thực của dự án AFD triển khai trên địa bàn” - bà Hồng nói thêm.

1.jpg
Bà Trần Thị Hồng – Trưởng thôn Mộc Hải kể về những năm ngập lụt trên địa bàn, trước khi có dự án AFD.

Không chỉ thôn Mộc Hải, theo tìm hiểu, trên địa bàn xã Thạch Ngọc trước đây rất nhiều thôn mùa mưa phải thường xuyên chịu ngập úng. Ông Nguyễn Hồng Thanh – Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc cho hay: “Trước khi có dự án AFD, toàn xã có hơn 550 hộ thường xuyên ngập vào mùa mưa, trong đó, diện tích ngập nặng tập trung ở các thôn Mộc Hải, Bắc Tiến, Tân Tiến. Không chỉ ngập nặng, thời gian thoát lũ còn rất chậm, kéo dài từ 2 – 3 ngày nên thiệt hại của người dân càng lớn. Ngoài trận lũ năm 2010 khi mà nhiều nhà ngập từ 80 cm lên hơn 1m thì hàng năm, Thạch Ngọc thường xuyên chống chọi với các trận lụt nhỏ.

Từ khi dự án AFD nạo vét xong tuyến kênh (tháng 6/2020 - PV), hiệu quả phải nói là rất tuyệt vời. Nhân dân rất mừng. Năm 2020, khi các xã ở Thạch Hà như Lưu Vĩnh Sơn, Tân Lâm Hương hầu hết ngập úng thì xã chúng tôi không có vấn đề gì xảy ra. Mấy trận mưa vừa qua do ảnh hưởng của bão số 4, dù nhiều địa bàn trong tỉnh ngập lụt, tuy nhiên ở xã chúng tôi nước chỉ lấp xấp bờ ruộng, sau đó thì rút rất nhanh theo các nhánh kênh dẫn của dự án AFD. Nếu không có dự án AFD thì chắc chắn, vừa qua, Thạch Ngọc phải đối mặt với ngập nặng diện rộng”.

Hệ thống nhánh cầu sông Min qua địa bàn Thạch Ngọc sau khi nạo vét giúp tiêu thoát rất tốt mỗi mùa mưa lũ.

Hệ thống nhánh cầu sông Min qua địa bàn Thạch Ngọc sau khi nạo vét giúp tiêu thoát rất tốt mỗi mùa mưa lũ.

Ông Thanh cũng cho rằng, trước đây địa bàn thường xuyên ngập vào thời điểm trước đó là do tuyến kênh Vách Nam không được nạo vét, lòng kênh hẹp và cạn, bị cản trở bởi cây cối, bờ bụi. Trong khi đó, mỗi lần mưa, nước các vùng đổ về địa bàn rất nhanh mà khó tiêu thoát nên gây tình trạng ngập lụt.

Hiệu quả thấy rõ của dự án

Ông Trần Hậu Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc (ngoài cùng bên phải) mô tả độ ngập sâu của trận lụt năm 2010 trên tuyến đường thôn Mộc Hải.

Ông Trần Hậu Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc (ngoài cùng bên phải) mô tả độ ngập sâu của trận lụt năm 2010 trên tuyến đường thôn Mộc Hải.

Từ ngày dự án AFD đưa vào vận hành khai thác, tình trạng ngập lụt ở Thạch Ngọc và các địa bàn như Việt Tiến (khu vực Việt Xuyên cũ), thị trấn Thạch Hà (khu vực xã Thạch Thanh cũ) hầu như không còn.

Video: Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc Trần Hậu Lâm trao đổi về hiệu quả của dự án AFD.

Theo chân cán bộ xã đi thực tế các địa bàn trước đây hay ngập lụt và hệ thống tuyến kênh được vận hành, chúng tôi thấy rõ sự bài bản của hệ thống tiêu thoát lũ.

Trên tuyến kênh Vách Nam kéo dài hơn 8.300m từ Thạch Long lên tận Thạch Ngọc, lòng dẫn đã được nạo vét, mở rộng lòng và đáy. Lòng dẫn được nạo vét với chiều rộng từ 60- 90m, độ cao đáy kênh - 1.5m. Cùng với kênh Vách Nam, dự án còn nạo vét 2 nhánh đổ về kênh là: nhánh sông cầu Min hơn 5.500m và nhánh lạch nước Bạc hơn 2.870m với độ rộng đáy từ 20 – 30m.

Kênh Vách Nam đoạn qua cầu Nga được mở rộng nhờ dự án AFD.

Kênh Vách Nam đoạn qua cầu Nga được mở rộng nhờ dự án AFD.

Trên cả 3 tuyến nạo vét, tổng chiều dài lên đến gần 17 km. Để phục vụ tiêu thoát nước, trong phạm vi dự án đã được bố trí 17 cống tròn hai bên bờ; xây dựng 8 cống tiêu kết hợp cầu dân sinh.

Nhờ các nhánh và hệ thống cống tiêu thoát đi cùng mà mỗi khi mưa, nước từ các khu vực thượng nguồn sẽ đổ dồn về cùng một dòng chảy rồi đổ ra sông Nghèn.

Tuyến kênh được mở rộng đáy có nơi lên đến 90m, giúp tăng khả năng tiêu thoát lũ cho các xã trong vùng.

Tuyến kênh được mở rộng đáy có nơi lên đến 90m, giúp tăng khả năng tiêu thoát lũ cho các xã trong vùng.

Để đồng bộ trong vận hành từ các địa hình khác nhau, dự án đã đầu tư xây mới cống Voọc Sim 2 (Thạch Long) để tăng khả năng thoát lũ với 3 khoang, mỗi khoang rộng 6m.

Theo tìm hiểu từ UBND xã Thạch Long, với cam kết bàn giao dự án, mỗi khi có hiện tượng mưa lớn xảy ra trên địa bàn và các xã lân cận, xã sẽ cho vận hành cống Vọoc Sim 2 để tiêu thoát cho vùng thượng nguồn. Nhờ vậy, việc vận hành hệ thống được thực hiện đảm bảo.

333.jpg
Hệ thống cống hai bên kênh giúp khả năng tiêu thoát lũ cho các địa bàn rất tốt, được người dân đánh giá cao.

Cùng với khả năng tiêu thoát lũ, mùa nắng nóng, dự án này còn giúp các địa phương giải quyết tình trạng thiếu nước sản xuất vụ hè thu thông qua việc cải tạo, nâng cấp 11 trạm bợ cũ, xây dựng mới 4 trạm bơm. Cụ thể, mùa nắng nóng, hệ thống máy bơm sẽ lấy nguồn nước từ kênh Vách Nam phục vụ sản xuất.

Hệ thống trạm bơm hai bên tuyến kênh phục vụ rất tốt việc cấp nước tưới vụ hè thu cho các địa bàn.

Hệ thống trạm bơm hai bên tuyến kênh phục vụ rất tốt việc cấp nước tưới vụ hè thu cho các địa bàn.

Ông Ngô Đức Quy – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Hà cho hay: Dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và thoát lũ cho vùng Bắc Thạch Hà được hoàn thành, bàn giao sử dụng toàn bộ các hạng mục từ năm 2021 (ngoài các hạng mục liên quan đến cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát, dự án còn có hạng mục khác như đường quản lý vận hành, hệ thống điện - PV).

Từ khi đưa vào vận hành khai thác đến nay, dự án đã cho thấy tính hiệu quả rất rõ rệt, đảm bảo an toàn cho trên 4.100 ha đất canh tác, trên 10.000 hộ dân, hơn 36.000 nhân khẩu trong khu vực hưởng lợi trực tiếp từ dự án; đặc biệt, dự án đã điều tiết lũ rất tốt cho cả vùng. Cùng với khả năng tiêu thoát lũ, dự án còn cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất cho các xã trong vùng, giải quyết tình trạng thiếu nước sản xuất vụ hè thu”.

Các hạng mục dự án được đầu tư đồng bộ, mang lại hiệu quả cao trong quá trình vận hành, sử dụng.

Các hạng mục dự án được đầu tư đồng bộ, mang lại hiệu quả cao trong quá trình vận hành, sử dụng.

Dự án AFD kể trên được chính người dân và chính quyền cơ sở ghi nhận là thước đo quan trọng nhất cho thấy hiệu quả thiết thực của dự án. Không chỉ vậy, theo các nhà chuyên môn, dự án kể trên còn được đánh giá là “khá rẻ” về đầu tư trong khi hiệu quả mang lại rất cao.

Từ dự án này, có thể thấy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc đầu tư hạ tầng tiêu thoát lũ một cách bài bản, có hệ thống là rất cần thiết, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống người dân.

Dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và thoát lũ cho vùng Bắc Thạch Hà do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ và UBND huyện Thạch Hà làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 459,337 tỷ đồng, gồm 2 hợp phần: cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh tiêu thoát và chống xói lở; tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực. Địa bàn thực hiện gồm các xã: Thạch Long, Thạch Thanh cũ (nay đã sáp nhập vào thị trấn Thạch Hà), Phù Việt, Việt Xuyên, Thạch Tiến (3 xã này nay là xã Việt Tiến), Thạch Ngọc. Dự án được khởi công năm 2017 và hoàn thành, bàn giao cuối năm 2021.

Chủ đề TẬP TRUNG ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ

Chủ đề Biến đổi khí hậu

Đọc thêm

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.
Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ và Nhân dân xã Sơn Giang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã, đang chung sức, đồng lòng “vẽ” nên bức tranh nông thôn mới đa sắc, kinh tế phát triển, làng quê bình yên...
Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Căn cứ theo các quy định, xét đề nghị của Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh và Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh.