Đường thôn Đinh Hồ thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ...
Tự hào về điều này, ông Đinh Việt Thắng - Chi Hội trưởng nông dân thôn Đinh Hồ (xã Cẩm Lạc) chia sẻ: "Thực tế thì trước đây, người dân xã Cẩm Lạc chỉ chú trọng vệ sinh trong khuôn viên nhà ở và vườn tược của mình. Những năm gần đây, hưởng ứng chủ trương của lãnh đạo xã, bà con đã thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường cộng đồng, chú trọng làm sạch đường sá, đồng ruộng.
Đường thôn Đinh Phùng cũng được người dân vệ sinh thường xuyên, đảm bảo sạch dẹp
Bắt đầu từ tháng 10/2017, Chi hội Nông dân phối hợp cùng Chi Hội Phụ nữ thôn Đình Hồ triển khai cho các hội viên xây dựng hố rác gia đình. Cứ phụ nữ thì trộn hồ, đàn ông xây gạch, cả thôn chia ra 3 tổ, triển khai trong 3 đợt. Đến nay, 100% hộ có hố rác gia đình. Mỗi hố rác rộng 2m2, cao 40 cm, có lợp mái che, chi phí nguyên vật liệu gần 300 nghìn đồng. Nhờ đó, rác thải hữu cơ được người dân tự xử lý bằng cách đốt hoặc ủ làm phân bón, còn lại rác thải khó phân hủy được tập kết để HTX môi trường vận chuyển về nhà máy xử lý.
“Để có được kết quả như hiện tại là cả quá trình lên kế hoạch, tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện. Xong "sạch nhà" đến "sạch ngõ", các tuyến đường trong khu dân cư được chia từng đoạn cho từng hội viên. Người dân có trách nhiệm làm sạch đoạn đường của mình và nhắc nhở các hộ bên cạnh. Vì thế, các tuyến đường toàn dân tự quản luôn được giữ sạch sẽ, đảm bảo môi trường.” – ông Thắng cho biết thêm.
Việc quét dọn ngõ nhà, đường làng mỗi ngày đã trở thành thói quen của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Đinh Phùng).
Đi trên những tuyến đường làng của xã Cẩm Lạc, từ thôn Đinh Hồ đến thôn Đinh Phùng đều sạch sẽ, tinh tươm. Cụ Bùi Thị Châu (84 tuổi, ở thôn Đinh Phùng) tâm sự: "Đã thành thói quen, cứ đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều, người dân chúng tôi quét xong nhà còn quét thêm một đoạn đường làng. Xã hội bây giờ đã văn minh hơn rất nhiều, mình già rồi nhưng vẫn phải có ý thức chung bảo vệ môi trường, sạch sẽ cũng là cách hưởng thụ cuộc sống".
Cụ Bùi Thị Châu (84 tuổi) vẫn thường xuyên đốt rác thải hữu cơ của gia đình để giữ gìn vệ sinh môi trường.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Lạc Võ Kim Phong cho biết, không chỉ Đinh Hồ, Đinh Phùng mà hầu hết hội viên nông dân trong xã đã có hố rác gia đình và ý thức làm sạch đoạn đường của mình. Còn với loại rác khó xử lý, xã quy định mỗi thôn có 1 điểm tập kết. Cứ đến ngày 14 và 28 hàng tháng, rác thải lại được vận chuyển đi xử lý. Ngoài ra, toàn xã có 185 hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi.
Rác thải từ các vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật được nông dân xã Cẩm Lạc bỏ vào ống bi xi măng để xử lý.
"Sạch nhà, sạch ngõ" đến "sạch đồng", mỗi tháng, xã Cẩm Lạc huy động 1 ngày công của các hộ dân làm vệ sinh môi trường đồng ruộng. Trên cánh đồng của mỗi thôn, xã cho xây dựng 4 - 5 ống bi xi măng cố định. Người nông dân có trách nhiệm nhặt và bỏ rác vào đó để HTX môi trường thu gom, xử lý. Để nhắc nhở người dân, xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, đặc biệt vào những ngày mùa. "Nhờ đó, đồng ruộng của Cẩm Lạc giờ đây không còn rác thải bừa bãi. Thời điểm này, đang là mùa phòng trừ sâu bệnh cho lúa nhưng trên đồng chúng tôi không hề có vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật" – ông Phong dẫn chứng.
Dù đang mùa phòng trừ sâu bệnh, song từ đường nội đồng đến kênh nước, ruộng lúa không có các vỏ thuốc bảo vệ thực vật.
Chị Phan Thị Hồng – nông dân thôn Trần Phú chia sẻ, qua tuyên truyền, nông dân biết được bao bì thuốc bảo vệ thực vật bằng nhựa, ni lông, chai lọ khó phân hủy, nếu vứt bừa bãi sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Thấy chủ trương đúng thì người dân chúng tôi nhiệt tình hưởng ứng. Làm sạch ruộng cũng là cách bảo vệ sức khỏe người nông dân chúng tôi, vừa đảm bảo an toàn cho nông sản.