Ra khơi trong gần 2 ngày, đội tàu của ngư dân Trần Văn Tuấn (Diễn Châu, Nghệ An) có 7 thành viên đã đánh bắt được khối lượng lớn cá cơm và cá rọc đến cập cảng Cửa Sót.
Anh Trần Văn Tuấn – chủ tàu vui mừng chia sẻ: “Một tuần trở lại đây, nhiều thuyền trúng luồng cá cơm, chuyến nào ít thì cũng được 6 - 8 tạ, cao điểm có ngày thu được hơn 3 tấn. Từ đầu năm đến nay, đây là đợt thứ 2 đánh bắt được khối lượng cá như thế này (đợt 1 là vào đầu tháng 1/2020)".
Năm nay, giá cá thu mua cao hơn năm ngoái, ở mức 16 - 25.000 đồng/kg (tuỳ loại và độ to nhỏ), những ngày đánh được nhiều thì tàu có thể thu về được gần 40 triệu đồng, anh em có thêm nguồn thu nhập và có động lực ra khơi hơn, anh Tuấn cho biết thêm.
Cũng chung niềm vui được mùa, được giá, anh Nguyễn Văn (thị trấn Lộc Hà) cho hay: “Tổng sản lượng cá cơm giữa tháng 1 cho đến ngày 26/2 của đội tàu chúng tôi là khoảng 10 tấn, trong đó khoảng 7 tấn cá cơm than.
Dịp này, các tàu ra khơi trong thời gian khoảng 2 ngày là có thể thu về từ 1 - 2 tấn cá. Giá cá đang ở mức cao, lại có người thu mua ngay nên anh em phấn khởi lắm”.
Bán được khối lượng lớn và nhanh chóng là cá cơm than (nhiều nơi còn gọi cá cơm sọc đen, dùng để làm nước mắm truyền thống) vì đây đang là cao điểm thu mua nguyên liệu để vào vụ sản xuất mới sau Tết Nguyên đán của các cơ sở chế biến, anh Trần Hạnh - một thuyền viên ở Thạch Kim (Lộc Hà) chia sẻ.
Theo chia sẻ của nhiều chủ tàu, mùa cá cơm thường bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch. Đợt này khá dày, cộng với thời tiết thuận lợi nên bà con tập trung bám biển. Tùy vào sức gió và đặc thù của từng vùng mà ngư dân có cách “đón luồng” cá cơm từ biển vào để thu được nhiều “chiến lợi phẩm”.
Ngoài tạo thu nhập trực tiếp cho bà con ngư dân, cá cơm còn tạo nguồn hải sản phong phú cho tiểu thương kinh doanh tại các chợ và nguyên liệu cho nghề chế biến như nước mắm, cá khô.
Bà Nguyễn Thị Hải – tiểu thương kinh doanh tại thôn Xuân Phương (xã Thạch Kim, Lộc Hà) cho biết: “Cá cơm năm nay khá nhiều nên chúng tôi thu mua rất dễ dàng, từ đây, các rổ cá tươi, ngon được mang đi các chợ lớn nhỏ, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Các hợp tác xã, hộ sản xuất nước mắm truyền thống cũng “nhanh chân” tận dụng thời điểm này để mua cá cơm về chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Chị Phan Thị Nam (huyện Kỳ Anh) cho biết: Từ sau đợt Tết Nguyên đán đến nay, mình làm mối thu mua được gần 20 tấn cá cơm để cho các HTX trong huyện Kỳ Anh muối nước nắm. Cá được mua ngay tận cảng, sau đó chuyển xe về và ủ muối, đảm bảo có được hương vị thơm ngon nhất".
Theo kinh nghiệm thì cá làm nước mắm đảm bảo chất lượng phải có bề ngoài cá màu sắc tươi sáng, vảy không bị bong tróc, chất nhớt ngoài da trong suốt, mùi tanh tự nhiên; mồm và mang cá khép chặt.
Bên cạnh cá cơm, đợt này, ngư dân còn đánh bắt được nhiều hải sản có giá trị kinh tế như tôm, cá đù, cá rọc… góp phần ổn định cuộc sống, có vốn xoay vòng để sửa chữa tàu thuyền, mua xăng dầu, ngư lưới cụ đảm bảo cho những chuyến đi biển thành công.
Thông tin từ Ban Quản lý các Cảng cá Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, Cảng cá Cửa Sót (Lộc Hà, Hà Tĩnh) có gần 1.500 lượt tàu, thuyền đăng ký ra vào, sản lượng thủy, hải sản cập cảng đạt hơn 1.320 tấn. Đặc biệt, một tuần trở lại đây, bà con ngư dân được mùa cá cơm, nguồn cá cơm dồi dào không chỉ giúp ngư dân có thêm nguồn thu nhập mà còn cung cấp nguyên liệu cho các địa phương khác để phục vụ sản xuất nước mắm, cá khô. |