“Không gian mùa thu đã giúp tâm hồn tôi được tái tạo để tiếp tục sáng tác”
- Chào chị Trần Quỳnh Nga, được biết chị là một trong những tác giả nữ sáng tác “chăm chỉ” nhất trong đội ngũ tác giả văn học nghệ thuật Hà Tĩnh. Xin chị cho biết, mùa thu có vị trí như thế nào trong các sáng tác của chị?
- Chúng ta đều biết, ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, mùa thu là mùa có vẻ đẹp mơ hồ, lãng mạn nhất. Tôi nghĩ, thực ra không phải chỉ người viết văn mới cảm thấy xao động khi “gặp” mùa thu. Hầu như tất cả mọi người đều có những cảm xúc đẹp đẽ, nồng nàn trước những đổi thay của đất trời, chỉ là với người bình thường thì họ chỉ có thể cảm nhận mà không chuyển tải được bằng các hình thức khác. Và người sáng tác văn học nghệ thuật thì có thể “nói hộ” những cảm nhận, những khai mở ấy thông qua tác phẩm của mình.
“Không gian mùa thu có khi là tác nhân ủ men ý tưởng, cũng có khi là những tác động tròn đầy để tôi hoàn thiện những sáng tác của mình”.
Là một tác giả thuộc chuyên ngành văn xuôi, mùa thu cũng có vị trí rất đặc biệt đối với quá trình sáng tác của tôi. Không gian mùa thu có khi là tác nhân ủ men ý tưởng, cũng có khi là những tác động tròn đầy để tôi hoàn thiện những sáng tác của mình. Với bản thân tôi, mùa thu luôn là mùa gợi nhớ những kỷ niệm về những người yêu dấu, về những không gian xưa, về những niềm yêu thích cố hữu như những loài hoa bé dại, mùi âm ẩm của lớp lá mục, ánh đèn vàng phố thị... Miền hoài niệm ấy đã giúp tâm hồn tôi được tái tạo để tiếp tục sáng tác.
- Và chắc hẳn là chị đã có những “tuyệt bút” trong mùa thu?
- Bạn hỏi điều này lại khiến tôi nhớ ra rằng, hình như trong hầu hết các truyện ngắn của mình, ít nhiều tôi đều viết về mùa thu hay những khoảnh khắc giao mùa đẹp đẽ đó. Mùa thu đôi khi chỉ được lẩy lên chỉ trong một câu văn nhưng lại bao trùm được toàn bộ tác phẩm.
“Tuyệt bút” thì không dám đề cập nhưng tôi đã có những kỷ niệm đáng nhớ cùng những tác phẩm sáng tác trong mùa thu. Đó là tác phẩm viết cho các con tôi và các cháu thiếu nhi - Mùa thị chín, Chuyện của gà mẹ, Vùng Tây ra đi ô; là tác phẩm về một kỷ niệm trong tập truyện ngắn đầu tay Bí đỏ - Và em và mùa thu. Mới đây, trong cảm xúc dâng lên từ những ngày thu lịch sử, tôi có viết thêm truyện dã sử Duyên kỳ ngộ…
Mùa thu Hà Tĩnh tuy không rõ nét nhưng bằng những cảm nhận tinh tế, mùa thu vẫn xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm của Trần Quỳnh Nga.
Tuy vậy, tôi vẫn rất thích những tản văn tôi từng viết trong những mùa thu đầy thương nhớ của đời mình. Đó là Hương mùa thu, Hanh heo mùa mía, Lắng nghe giữa mơ hồ, Những thứ nhớ thương vương... Tất cả đều được dậy lên từ những ôm ấp, vỗ về của mùa thu…
- Là một biên tập viên của Tạp chí Hồng Lĩnh, chị thấy mùa thu đã gieo cảm xúc như thế nào đối với các tác giả Hà Tĩnh?
- Là một biên tập viên của Tạp chí Hồng Lĩnh, tôi may mắn khi là một trong những người đầu tiên được tiếp cận những tác phẩm của các văn nghệ sỹ. Tôi thấy, những khoảnh khắc mùa thu thường để lại những ám gợi rõ nhất trong các tác phẩm thơ, nhạc, mỹ thuật... của các tác giả. Tôi đã từng run rẩy cùng những cảm xúc của tác giả thơ Trần Đức Cường, Ngọc Mai, Mai Hoa, Hồ Minh Thông trong hình ảnh những cơn mưa đêm, trong vết khói loang chiều hay mái rêu xanh cũ kỹ… Tôi cũng từng đồng cảm với những suy tư, trăn trở về thế sự, về những chiêm nghiệm trong thơ Phan Trọng Tảo… Và đặc biệt cũng đã được khơi dậy những cảm xúc mới mẻ khi xem tranh của Lê Anh Ngọc hay trong những khuông nhạc dìu dặt của Phạm Minh Khoa...
Mùa thu Hà Tĩnh không dài và khá mờ nhạt, nhưng, các tác giả bằng sự tinh tế trong tâm hồn của mình đã “nhặt” được rất nhiều hình ảnh, rất nhiều ý tứ để khắc họa nên một mùa thu rõ rệt, có đủ những mơ màng, lãng đãng, huyền hoặc, có đủ nồng nàn, hoài cảm, bâng khuâng. Trong rất nhiều tác phẩm, những xúc cảm về thiên nhiên hòa quyện vào xúc cảm của mùa thu lịch sử đã đẩy những cảm xúc cá nhân lên tầm cao mới. Và đó chính là niềm vui của những người làm công tác biên tập như tôi.
- Viết văn hẳn chị cũng đọc và yêu rất nhiều các tác giả khác. Chị thích nhất những tác giả hay tác phẩm nào về mùa thu?
- Có một điều tôi không thể nào lý giải nổi, rằng tại sao tôi lại yêu mùa thu nước Nga đến thế. Có lẽ là bởi tôi đã yêu nồng nàn những tác phẩm văn học nghệ thuật về mùa thu của các tác giả nổi tiếng của Nga. Ở nhà tôi có một tủ sách khá lớn và tôi có thói quen đọc sách theo mùa.
Cứ mỗi mùa thu đến, rất tự nhiên, tôi lại lục tìm ngăn tủ có những tác phẩm của Aimatop như Người thầy đầu tiên, Cây phong non trùm khăn đỏ, Sếu đầu mùa, Giamiili…, những bài thơ độc đáo như Mùa lá rụng của Olga Berggoltz, Mùa thu của Aleksandre Pushkin… Hoặc tìm đến bức tranh Mùa thu vàng của danh họa Levitan với khu rừng bạch dương vàng ruộm lấp lánh ánh nắng mặt trời bên bờ của một con sông nhỏ…
Bức tranh “Mùa thu vàng” của danh hoạ Levitan cũng như phong cảnh mùa thu lãng mạn của nước Nga đã tạo nhiều cảm xúc sáng tác cho tác giả Trần Quỳnh Nga.
Có lẽ không chỉ riêng tôi mà rất nhiều độc giả Việt cũng đã có tình cảm kỳ lạ như thế với mùa thu nước Nga khi tiếp cận những tác phẩm văn học nghệ thuật của các tác giả Nga. Những sáng tác tài hoa ấy đã đưa tôi đến một đất nước trù phú, giàu đẹp, “gặp” những con người mà cốt cách được hình thành giữa thiên nhiên bao la, dữ dội. Để rồi, trong một căn gác đầy sắc thu ở Việt Nam, tôi cứ thầm tiếc nhớ, hoài thương một mùa thu đầy dư ba trong những trang sách của văn học Nga.
- Xin chân thành cám ơn chị, chúc chị có thêm thật nhiều tác phẩm hay trong sự nghiệp sáng tác của mình!