Mùa hến trên sông Ngàn Phố kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 nên cũng trong thời gian đó, người nông dân ven sông lại có thêm nghề phụ, kiếm thêm thu nhập
Không giống như hến được vây nuôi, có quanh năm như ở làng Trường Sơn (Đức Thọ), hến trên sông Ngàn Phố là hến tự nhiên hoàn toàn và mùa hến chỉ có từ tháng 3 đến hết tháng 8. Đây cũng chính là thời điểm nhà nông có nhiều thời gian rảnh rỗi nên nhiều người lựa chọn nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. Ngược theo sông Ngàn Phố, từ xã Sơn Tân đến Sơn Châu, Sơn Ninh, Sơn Giang… ở đâu cũng có thể bắt gặp những người nông dân khom mình cào hến.
Cào hến là nghề phụ có truyền thống từ lâu đời của người dân hai bên bờ sông Ngàn Phố. Ngày nay, người làm nghề này không nhiều như trước nữa nhưng một số người già sống ven sông vẫn gắn bó với mùa hến từ năm này qua năm khác. Với họ, đó không đơn thuần chỉ là để mưu sinh mà là một tập quán quen thuộc.
Với những dụng cụ đơn giản và cách cào đơn giản nên bất kỳ ai cũng có thể làm nghề này.
Để cào hến, bây giờ người dân không còn dùng nhủi xúc như trước mà chỉ cần tận dụng cái giỏ xe bằng sắt rồi buộc vào hai thanh tre nhỏ. Hến xúc lên sẽ cho ra rổ và nhặt sạch sạn rồi cho vào bì tải. Do không phải đầu tư nhiều về dụng cụ và rất dễ khi thao tác nên hầu như nhà ai ở gần sông cũng có 1 “bộ đồ nghề”. Nếu không cào hến để kiếm tiền thì chỉ cần mươi lăm phút lội sông là họ đã có bữa hến thơm ngọt. Còn nếu để mưu sinh thì mỗi ngày, thu nhập từ nghề cào hến đạt từ 100 đến gần 1 triệu đồng.
Bà Hồ Thị Hương (thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung) cho biết: “Cào hến tuy là nghề phụ nhưng lại cho thu nhập khá cao. Tôi làm nghề này mấy chục năm rồi. Trước đây còn khỏe, mỗi ngày tôi đi mấy chuyến nhưng bây giờ thì chỉ đi một chuyến từ 6h đến khoảng 9h sáng. Tôi thường đi với bà Bùi Thị Tiu ở cùng thôn. Mỗi ngày chúng tôi cũng cào được 5-7 kg, giá hến dao động từ 15 - 17 nghìn đồng/kg thì cũng kiếm thêm chừng 100 nghìn đồng cải thiện cuộc sống”.
Bà Hồ Thị Hương (phải) và bà Bùi Thị Tiu (trái) ở xã Sơn Trung - Hương Sơn là "đôi bạn cào hến" gắn bó với nhau hàng chục năm nay
Mùa hè nóng nực, hến là món ăn được rất nhiều người ưa thích. Hến có thể làm được nhiều món như hến xào giá, nộm hến dưa chuột nhưng món được nhiều người ưa chuộng, nhất là canh hến nấu hẹ. Giữa trưa hè nóng nực, một bát canh hến mát ngọt, thơm lừng mùi hẹ cộng với quả cà pháo muối giòn tan sẽ đưa người ta trở về với mênh mang sông nước.
Ông Nguyễn Văn Khẩn (thôn 4, xã Sơn Giang) cho biết: “Hến bây giờ là thực phẩm được nhiều người săn đón. Vợ chồng tôi gắn bó với nghề này được hơn chục năm nay rồi. Thay vì phải mang ra tận chợ bán lẻ thì bây giờ tiểu thương đặt hàng và đến tận nhà lấy. Mỗi ngày nếu làm cật lực thì chúng tôi cũng cào được chừng 40-50 kg, thu nhập xấp xỉ 1 triệu đồng. Để cào được nhiều hến như thế thì chúng tôi cũng phải ngược nguồn, mở rộng vùng khai thác và dầm nước từ sáng đến chiều”.
Sau khi cào hến, vợ chồng ông Nguyễn Văn Khẩn phải đãi qua để nhặt sạn rồi mới cho vào bao tải để cân bán cho tiểu thương
Hến trên sông Ngàn Phố là hến thượng nguồn nên rất ngọt nước. Tuy nhỏ nhưng sạch nên được khách hàng ưa chuộng. Hến sau khi được tiểu thương thu mua sẽ đưa đến khắp các vùng miền, có khi xuống tận các ngôi chợ trung tâm thành phố.
Hến Hương Sơn nổi tiếng là “nhỏ rọt ngọt nác” (nhỏ ruột ngọt nước) nên được nhiều người ưa chuộng
Chị Lê Thị Sen (phường Bắc Hà - TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi xa quê đã nhiều năm nhưng mùa hè nào cũng phải về Hương Sơn mua cho bằng được hến Ngàn Phố “nhỏ rọt ngọt nác” (nhỏ ruột ngọt nước). Mấy năm gần đây, có một số tiểu thương từ Hương Sơn mang hến xuống bán nên tôi thường mua về chế biến. Mua hến vỏ tuy mất công làm nhưng đổi lại lại rất yên tâm trong khâu chế biến, đặc biệt là có được những bát nước hến vừa trong, vừa ngọt”.
Không chỉ mưu sinh, ở một phương diện nào đó, những người làm nghề cào hến trên sông Ngàn Phố còn là người gìn giữ những tập quán sinh hoạt cổ xưa của các làng mạc ven sông. Đó đồng thời là biểu hiện của mối quan hệ cộng sinh hài hòa giữa con người và thiên nhiên.