2 trại lợn thương phẩm của ông Bùi Trọng Thái cho doanh thu từ 950 -1 tỷ đồng/năm.
Nhìn trang trại rộng hơn 3 ha tại khu vực núi Đồng Trạng của gia đình ông Bùi Trọng Thái (SN 1966 tại thôn Yên Long, xã Quang Diệm), nhiều người nghĩ rằng quá trình chăn nuôi của ông Thái luôn cũng “xuôi chèo mát mái”. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để có được cơ ngơi tiền tỷ như hôm nay, ông Bùi Trọng Thái đã nhiều lần ngấp nghé bờ vực phá sản bởi nuôi con gì cũng lỗ, trông cây gì cũng không ăn thua.
Ông Bùi Trọng Thái từng đảm nhận đảm nhận vị trí Trưởng thôn và Bí thư Chi bộ thôn 7 (nay là thôn Yên Long) từ năm 1998 - 2009.
Năm 1999, vợ chồng ông vào khu vực núi Đồng Trạng để khai hoang mở rộng diện tích trồng sắn lên đến gần 1.000m2; cải tạo 2 ao nuôi cá, diện tích hơn 1.000m2 rồi dốc vốn gần 50 triệu đồng mua 5 con hươu và thả hàng chục ngàn cá giống các loại như: trắm trôi, mè, chép. 1 năm sau, khi chuẩn bị đến mùa thu hoạch, những cơn mưa lớn kéo dài khiến các ao nuôi ngập nước. Vậy là hơn 5 tấn cá trôi sạch theo dòng nước, thiệt hại ước tính trên 100 triệu đồng.
Ông Thái vẫn thả khá nhiều cá ở các ao nuôi để tăng thêm thu nhập
Sau thất bại đó, ông Thái vay thêm vốn mua 3 con bò, 5 con dê để nuôi với quyết tâm…làm lại từ đầu. Sau nhiều năm cần mẫn, chăm chỉ gầy dựng, đàn bò, đàn hươu ngày càng sinh sôi nảy nở, tăng lên 11 con bò và 12 con hươu vào năm 2010. Có điều, thời điểm này giá hươu và bò bị rớt giá thê thảm. Cuối năm 2011, bán toàn bộ đàn gia súc, ông Thái cũng chỉ thu được hơn 25 triệu đồng.
Năm 2012, huyện Hương Sơn có chủ trương khuyến khích các hộ gia đình liên kết với các doanh nghiệp lớn để mở rộng mạng lưới chăn nuôi vệ tinh, tăng đàn lợn thương phẩm. Nắm bắt cơ hội, ông Thái quyết định rẽ hướng đầu tư phát triển kinh tế bằng việc xây dựng 1 trang trại nuôi lợn thương phẩm diện tích 720m2, liên kết với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam (gọi tắt là Công ty CP) để phát triển đàn lợn.
Nhờ tuân thủ nghiêm các quy trình, kỹ thuật nên trang trại lợn của ông Thái vẫn ổn định khi các loại dịch bệnh hoành hành.
Thời điểm đó, trang trại được đầu tư với tổng vốn hơn 1 tỷ đồng nhưng ông Thái chỉ phải bỏ vốn hơn 600 triệu vì được nhận hỗ trợ hơn 300 triệu đồng theo Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 29/8/2011 về quy định một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015.
“Nếu không có nguồn hỗ trợ từ tỉnh thì dự án của tôi không thể triển khai. Không chỉ là nguồn lực, các chính sách trên còn là động lực để chúng tôi hiện thực hóa ý tưởng của mình một cách vững chắc" - ông Bùi Trọng Thái cho hay.
Trong quá trình nuôi liên kết, con giống, thức ăn, kỹ thuật thú y đều do CP đảm nhận.
Sau quá trình nâng cấp đường vào trại, xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, tháng 6/2013, trại lợn của ông Bùi Trọng Thái tiếp nhận 500 lợn con có trọng lượng 6kg/con để nuôi. Đầu năm 2014, ông Thái tiếp tục đầu tư thêm 1 trang trại, diện tích 720m2 với tổng số vốn gần 1 tỷ đồng để nuôi 500 con lợn thương phẩm.
“Để nuôi liên kết, chủ trang trại phải đầu tư chuồng trại đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu chăn nuôi quy mô lớn theo quy định của doanh nghiệp. Đổi lại, các yếu tố khác như: cung cấp lợn nái mẹ, thức ăn, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, bao tiêu sản phẩm đều do Công ty CP đảm nhận. Quá trình chăn nuôi, chúng tôi phải tuân thủ chặt những quy định nghiêm ngặt về công tác phòng dịch, quy trình kỹ thuật, thức ăn, chế độ cách ly chuồng trại...” - ông Thái cho biết thêm.
Ông Bùi Trọng Thái (phải) chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn liên kết cho bà con trong vùng
Nhờ tuân thủ nghiêm các quy trình, kỹ thuật chăn nuôi nên 3 năm gần đây, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Hương Sơn (tháng 3/2019, tháng 11/2020, tháng 12/2021), trang trại lợn của ông Bùi Trọng Thái vẫn duy trì sản xuất ổn định.
Mỗi năm, 2 trại lợn thương phẩm của ông xuất lại cho Công ty CP 2 lứa, mỗi lứa 1.000 con (trọng lượng mỗi con đạt trên 100kg). Trừ trọng lượng con giống ban đầu, Công ty CP trả công cho người chăn nuôi từ 3.500 - 4.800 đồng/kg (dao động từng năm). Theo tính toán, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông Bùi Trọng Thái thu lợi từ 950-1 tỷ đồng/năm.
Trước cổng chuồng trại được bố trí công nhân canh gác và làm nhiệm vụ khử trùng để đảm bảo an toàn cho vật nuôi.
Đánh giá về mô hình, ông Lê Đình Phước - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Sơn cho biết: “Trong 3 năm gần đây, mặc dù nhiều cơ sở chăn nuôi lợn trên cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng lao đao bởi dịch tả lợn châu Phi nhưng trang trại của ông Bùi Trọng Thái vẫn an toàn, sản xuất hiệu quả.
Trang trại của ông Thái là một trong những cơ sở chăn nuôi có doanh thu lớn nhất không chỉ ở Quang Diệm mà còn trên địa bàn huyện Hương Sơn. Sự thành công của trang trại ngoài việc góp phần giúp xã Quang Diệm nâng thu nhập bình quân đầu người lên 46 triệu đồng/năm, còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng”.