Tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hà Tĩnh, ngày thường có từ 900 đến 1.000 bệnh nhân điều trị nội trú nhưng những ngày nắng nóng vừa qua, lượng bệnh nhân vào điều trị tăng lên đến gần 1.100 bệnh nhân.
Nhiều trẻ nhỏ bị viêm đường hô hấp trên do ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp
Bác sĩ Lê Hữu Anh - Trưởng khoa Nhi BVĐK Hà Tĩnh cho biết, bệnh nhi vào điều trị chiếm tới 70% thuộc các nhóm bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy, nhiễm trùng.
Các nhóm bệnh về suy tim, đột quỵ não, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở người lớn cũng gia tăng đáng kể. Tại Khoa Tim mạch và Lão học BVĐK tỉnh, bệnh nhân điều trị nội trú thuộc các nhóm bệnh đột quỵ não, suy tim tăng, đa phần đều vào viện trong tình trạng nặng.
Chị Lê Thị Nhung - người nhà của bệnh nhân Lê Tùng Xuân (87 tuổi) ở thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: "Bình thường bố tôi rất khỏe, mấy ngày này trời nắng, huyết áp của bố tăng cao. Hôm qua đang ngồi xem ti vi bố tự ngã, nửa người bên trái bị liệt, miệng không nói được. Nay được bác sĩ cấp cứu, chăm sóc tận tình nên đã có chuyển biến rõ rệt”.
Bác sĩ BVĐK tỉnh theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhi
Nhiều BVĐK tuyến huyện cũng đang quá tải do nắng nóng. Bác sĩ Phan Thị Xuân Liễu - Giám đốc BVĐK huyện Kỳ Anh cho biết: “NMấy ngày nắng nóng, lượng bệnh nhân tăng cao, lên đến hơn 500 người/ngày. Bệnh nhân tới khám trong đợt này chủ yếu thuộc các nhóm bệnh như tăng huyết áp, hô hấp, tim mạch".
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn, ngành Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tăng cường các biện pháp phòng chống nắng nóng cho bệnh nhân đến khám và điều trị, tăng cường quạt điện, quạt thông gió, bạt che chắn nắng… Các bệnh viện thực hiện mỗi bệnh nhân nằm một giường, không nằm ghép, khi chuyển tuyến phải đảm bảo chống nắng cho người bệnh trên đường vận chuyển. Ngoài ra, các đơn vị phải đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh bị say nắng, say nóng và các bệnh mùa hè.
Nắng nóng, bệnh nhân bị đột quỵ gia tăng
Các bác sĩ khuyến cáo, những ngày nắng nóng, người dân không nên để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để quạt thổi trực tiếp gần người để phòng bệnh đường hô hấp. Bên cạnh đó, nên thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh cá nhân; vệ sinh an toàn thực phẩm, uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần thường xuyên vệ sinh mũi, họng bằng nước muối; chủ động phòng bệnh cho con, nhất là bệnh viêm đường hô hấp cấp. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu viêm mũi, viêm họng, chảy nước mũi, cần đưa đến các cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời, phòng tránh biến chứng xảy ra. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ sử dụng kháng sinh, vừa nguy hại đến sức khỏe, vừa gây ra hiện tượng kháng thuốc. |