Lực lượng kiểm lâm kiểm tra công tác BVR - PCCCR năm 2019 tại rừng phòng hộ Hồng Lĩnh.
Trong những ngày cuối tháng tư này, có mặt tại một số địa phương, chủ rừng trên địa bàn tỉnh, công tác trực gác, tuần tra đang được đặt lên hàng đầu để ứng phó kịp thời trước thời tiết nắng nóng kéo dài.
Phó trưởng BQL Rừng phòng hộ (BQL RPH) Hồng Lĩnh Nguyễn Hải Vân vừa đi kiểm tra công tác tuần tra, trực lửa rừng về, cho biết: Đã nhiều ngày nay, tại 45 vị trí được xác định là trọng điểm dễ cháy như: Rừng thông, điểm du lịch, chùa Hương Tích… đều được đơn vị bố trí lực lượng trực gác ngày đêm. Lực lượng tham gia tại các điểm này không chỉ người của ban, kiểm lâm địa bàn mà còn có lâm nghiệp xã và hàng trăm hộ nhận khoán BVR.
“Dù lực lượng được mở rộng và chủ động trong bố trí, phân công theo phương án để nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý trong mọi tình huống, nhưng nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng là rất cao nên chúng tôi xác định là không được chủ quan, lơ là và luôn lấy phòng làm chính…” - anh Vân cho hay.
Tại chòi canh lửa ở Vườn Quốc gia Vũ Quang, BQL RPH sông Ngàn Phố luôn bố trí người trực gác.
6 tổ tuần tra PCCCR của BQL RPH Ngàn Phố (Hương Sơn) nhiều ngày nay luôn tất bật “ngược xuôi” trên khu vực rừng được giao quản lý, bảo vệ. Nắng nóng, nhiệt độ lên trên 38 độ C, nhưng ông Văn Đình Dần cùng 7 thành viên tổ 2 vẫn thay nhau tuần tra trên địa bàn 7 xã (gồm: Sơn Trà, Sơn Bình, Sơn Thủy, Sơn Mai, Sơn Thọ, Sơn Lâm, Sơn Giang) và túc trực tại 2 điểm (chòi Hoa Bảy và Trạm Kiểm lâm Sơn Giang).
“Địa bàn rộng, trải dài qua nhiều xã, với hàng ngàn hộ dân, nhiều vùng trọng điểm dễ cháy, trong khi chỉ có 8 anh em nên công tác quản lý, BVR nói chung, công tác PCCCR nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, song không phải vậy mà anh em lơ là. Nhiệm vụ của chúng tôi là kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm quy chế PCCCR; phát hiện và tổ chức cứu chữa kịp thời khi có cháy rừng, đồng thời thông tin nhanh cho đơn vị và các địa phương gần nhất…” - ông Dần cho biết.
Tại BQL RPH Hương Khê và BQL RPH Nam Hà Tĩnh, Vườn Quốc gia Vũ Quang…, công tác PCCCR cũng đang được tập trung, tăng cường khi nhiệt độ tăng cao. Trên hàng chục các điểm trực gác lửa rừng đều luôn có lực lượng chủ rừng và địa phương tuần tra, trực tại các chòi canh, vùng trọng điểm dễ cháy, theo đúng phương án, cấp dự báo cháy rừng…
Đường băng cản lửa là giải pháp PCCCR hiệu quả nên được các địa phương, chủ rừng chú trọng. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên nhìn chung làm mới đường băng này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Tùy theo cấp dự báo cháy rừng, anh em chúng tôi phân công nhau trực 10, 12 hay 24/24 giờ/ngày. Cùng với đó, chúng tôi còn vận động người dân địa phương ký cam kết, cùng nhau BVR, PCCCR, nhất là đối với các em học sinh và những người thường xuyên hoạt động tại rừng. Chỉ có vậy mới kịp thời ngăn chặn, phát hiện sớm và chữa cháy rừng hiệu quả”, anh Nguyễn Văn Thành - cán bộ BQL RPH Nam Hà Tĩnh chia sẻ.
Học sinh nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tham gia làm đường băng cản lửa, góp phần BVR.
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn Nguyễn Văn Thành, điểm mới đáng mừng là năm nay, nhiều huyện, chủ rừng… ngay từ đầu năm đã tổ chức hướng dẫn cho các hộ gia đình được nhận đất, nhận rừng xây dựng phương án BVR nói chung, PCCCR nói riêng. Cùng đó là tập trung tuyên truyền, ký cam kết BVR, nhất là những nội dung chủ yếu trong Luật Lâm nghiệp (có hiệu lực trong năm 2019).