Do đặc thù phân công sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô mà xe tăng chiến đấu chủ lực T-64 cùng với phiên bản phát triển cao cấp T-80 chủ yếu được chế tạo tại Ukraine.
Điều này khiến sau khi Liên bang Xô Viết tan rã thì Ukraine sở hữu một số lượng cực lớn xe tăng chiến đấu chủ lực T-80 ở tất cả các phiên bản, thậm chí nhiều hơn cả Nga.
Do nhu cầu chỉ ở mức vừa phải cho nên Quân đội Ukraine đã đưa một số lượng lớn xe tăng T-80 vào diện niêm cất bảo quản, ngoài ra họ còn bán cho nước ngoài rất nhiều T-80 với giá rẻ.
Hưởng lợi nhiều nhất trong chính sách trên của Ukraine là quốc gia Nam Á Pakistan, khi vào năm 1996 họ đã mua được 320 xe tăng T-80UD với giá thành rất thấp.
Xe tăng T-80UD (Object 478B) ra đời năm 1985 có điểm khác biệt lớn so với T-80U đó là nó sử dụng động cơ diesel tăng áp 6TD công suất 1.000 mã lực chứ không phải loại turbine khí 1.200 mã lực nguyên bản.
Mặc dù hiệu suất hoạt động không bằng loại turbine khí nhưng động cơ 6TD lại có chi phí khai thác rẻ cũng như độ ổn định khi sử dụng cao hơn gấp nhiều lần.
Các xe tăng T-80UD trên từng được Quân đội Pakistan đánh giá rất cao, nhưng sau hơn 20 năm sử dụng thì chúng rất cần được hiện đại hóa để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của chiến tranh công nghệ cao.
Những tưởng Pakistan sẽ tìm tới Ukraine để giao hợp đồng nâng cấp này thì thật bất ngờ khi Islamabad thông báo họ lại lựa chọn Nga làm đối tác số 1 cho dự án này.
Đây là điều rất bất ngờ vì Nga không có kinh nghiệm sử dụng và nâng cấp T-80UD phong phú như Ukraine, thậm chí họ còn loại biên toàn bộ T-80UD từ lâu, chỉ giữ lại tháp pháo để lắp sang T-80BV và cho ra đời biến thể T-80UE-1.
Lý do khiến Pakistan ngả sang phía Nga đó là vì quốc gia Nam Á này rất ấn tượng với tính năng kỹ chiến thuật của chiếc T-80BVM mà Quân đội Nga vừa giới thiệu.
Pakistan muốn các xe tăng T-80UD của mình sẽ có khả năng chiến đấu tiệm cận với T-80BVM vì so với các phiên bản T-80 nâng cấp khác thì sản phẩm của Nga vẫn được đánh giá là tối ưu.
Tuy rằng mới chỉ dừng lại ở đàm phán nhưng triển vọng hợp đồng được ký kết là rất cao, nếu vậy không chỉ Ukraine "sôi ruột" vì bị Nga "hớt tay trên" mà một đồng minh khác của Moskva tại Nam Á cũng sẽ rất tức giận.
Pakistan với Ấn Độ từ lâu nay vẫn tồn tại nhiều căng thẳng dai dẳng, luôn có nguy cơ bùng phát chiến tranh, để tạo lập ưu thế trên bộ trước láng giềng thì New Delhi đã mua rất nhiều xe tăng T-90 của Nga.
Nhưng giờ đây, nếu Nga đồng ý nâng cấp T-80UD cho Pakistan thì ưu thế của Ấn Độ không còn nữa, vì chắc chắc khi đó xe tăng của Islamabad sẽ vượt trội những chiếc T-90 Bhisma của New Delhi
Chính sách bán vũ khí cho cả hai bên đối địch đang được Nga tiến hành mặc dù có thể thu về lợi nhuận cao nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn đó là đẩy đối tác thân quen vào tay một nhà cung cấp vũ khí khác.