Quá trình khảo sát của ngành chuyên môn cho thấy, mật độ nuôi ngao của xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà) rất dày, đạt từ 1.500 - 3.800 con/m2.
Mật độ thả nuôi dày, môi trường không đảm bảm
Hiện nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 400 ha diện tích nuôi ngao, tập trung ở các xã như Mai Phụ, Thạch Châu (Lộc Hà); Đỉnh Bàn (Thạch Hà); Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên); Kỳ Hà (TX Kỳ Anh)… Sản lượng hàng năm đạt khoảng hơn 3.900 tấn. Trong đó, vùng nuôi ngao thuộc xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà) và Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) có diện tích lần lượt là 74,5 ha và 20 ha.
Qua khảo sát thực địa của cơ quan chuyên môn, tại xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà), mật độ nuôi ngao rất dày, đạt từ 1.500 - 3.800 con/m2. Đây là mật độ nuôi trung bình cao gấp nhiều lần so với khuyến cáo kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn, bình quân chỉ từ 150 - 350con/m2. Dù yêu cầu về kỹ thuật này đã được tập huấn, thông tin và hướng dẫn nhưng nhiều hộ dân các bãi nuôi vẫn không tuân thủ hoặc ít quan tâm đến.
Người dân xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) thu hồi số ngao bị chết để dọn dẹp bãi nuôi.
Ông Trần Văn Chung (xã Đỉnh Bàn) là một trong những hộ thiệt hại hơn 40% số ngao giống thả nuôi (khoảng hơn 10 tấn). Ông Chung cho biết: “Khi thả giống, chúng tôi cũng lo lắng trong quá trình nuôi sẽ bị hao hụt nhiều do ngao bị chết và triều cường cuốn đi nên thường thả dày (khoảng 1.600 - 2.000 con/m2), chưa để ý quá nhiều việc ảnh hưởng của mật độ thả đến chất lượng, sức khỏe của ngao. Bản thân tôi cũng phải xem xét lại quá trình nuôi của mình để hạn chế thiệt hại trong những vụ tới”.
Trước đó, vào tháng 9/2022, hiện tượng ngao chết hàng loạt ở xã Mai Phụ (Lộc Hà) cũng do mật độ nuôi quá dày. Ảnh tư liệu.
Tương tự tại xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), mật độ thả nuôi có những thời điểm cũng đạt 600 - 900 con/m2. Điều này dẫn đến ngao phải cạnh tranh về thức ăn phù du, môi trường sống khiến chúng suy giảm về tốc độ tăng trưởng, bị yếu.
Đặc biệt, qua nắm bắt thông tin, thời gian nuôi tại các bãi của người dân là liên tục, không cho nghỉ bãi, phơi bãi để vệ sinh, tiêu diệt mầm bệnh; thường thả ngao lớn và ngao bé lẫn vào với nhau… ảnh hưởng xấu đến môi trường nuôi cũng như khả năng kháng bệnh, phân loại ngao.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy - Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh)
Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy - Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) cho biết: “Việc thả nuôi ngao tại các địa phương vẫn chủ yếu theo lối sản xuất truyền thống, chưa chú trọng đảm bảo các khâu theo quy trình kỹ thuật. Người nuôi thường thả mật độ rất dày vì mục đích tăng sản lượng thu hoạch trên cùng một đơn vị diện tích, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tốc độ phát triển của ngao. Và thực tế trong nhiều năm qua, khi thời tiết ở những giai đoạn chuyển mùa có nhiều điểm bất lợi, các vùng nuôi đã xảy ra hiện tượng ngao chết vì không tuân thủ hướng dẫn của ngành chuyên môn”.
Chú trọng yếu tố kỹ thuật trong quá trình thả nuôi
Sau khi nắm bắt được tình hình, trước mắt, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã gửi công văn đề nghị UBND huyện Cẩm Xuyên, UBND huyện Thạch Hà và các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi hàu, ngao thực hiện các quy trình đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Nhất là ở những nơi xuất hiện hiện tượng ngao chết, thu gom ra khỏi khu vực nuôi và tiêu huỷ, chôn lấp đúng quy định.
Ngành chuyên môn kiểm tra quá trình sản xuất ngao giống ở HTX Nuôi trồng thủy sản Hùng Thuận ở xã Mai Phụ (Lộc Hà).
Tuyệt đối không đổ xác hàu, ngao ra vùng cửa sông, các nơi cạnh khu vực nuôi; tận thu số lượng ngao còn sống đã đạt kích cỡ thương phẩm để hạn chế thiệt hại; có thể di chuyển số ngao còn sống chưa đạt kích cỡ thương phẩm sang khu vực ít ảnh hưởng.
Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà) Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Hiện tượng ngao chết đến nay đã cơ bản khống chế, người dân đang tranh thủ chăm sóc, bán nốt số ngao còn lại. Nguyên nhân ngao chết hàng loạt là do chưa tuân thủ quy trình sản xuất nên chúng tôi sẽ chú trọng tuyên tuyền, thường xuyên hướng dẫn người dân để có những vụ nuôi an toàn, hiệu quả”.
Ngành chuyên môn hướng dẫn xử lý vùng nuôi đối với các địa phương có hiện tượng ngao chết.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thúy - Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh), về lâu dài, để đảm bảo ngao phát triển an toàn, khi thực hiện thả nuôi, người dân cần phải tuyệt đối tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đã được phố biến gồm: thả mật độ con giống phù hợp từ 150 - 350/m2, kích cỡ giống tốt nhất từ 400 - 500 con/kg; không thả giống tại các khu vực có quá nhiều bùn.
Người nuôi ngao nên tuân thủ quy trình kỹ thuật để hạn chế các rủi ro, đảm bảo vụ nuôi thắng lợi.
Sau mỗi kỳ thu hoạch phải cải tạo bãi nuôi, phơi bãi đúng quy trình kỹ thuật để chuẩn bị cho vụ nuôi tiếp theo; thường xuyên theo dõi bãi nuôi, tình trạng sinh sống, khi có hiện tượng ngao và môi trường thay đổi cần thông báo ngay cho các cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý. Đồng thời, chọn giống nơi uy tín, đồng đều về kích cỡ, được kiểm dịch trước khi chuyển từ trại giống về bãi nuôi.