Bức tranh đẹp nên thơ khi hoàng hôn xuống trên vùng lòng hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang... (Ảnh: Vườn quốc gia Vũ Quang cung cấp).
Nhiều năm qua, Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang đã làm tốt công tác bảo tồn mẫu chuẩn về hệ sinh thái rừng Bắc Trường Sơn, sự đa dạng sinh học đặc trưng của rừng tự nhiên trong khu vực. Vườn cũng được duy trì cân bằng sinh thái, gia tăng độ che phủ rừng, bảo đảm an ninh môi trường và sự phát triển bền vững về tự nhiên.
Ngoài phát huy các giá trị của hệ sinh thái rừng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường thì đây còn là lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, nhất là khu vực quanh vùng lòng hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang...
Những hòn đảo được hình thành sau khi Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang tích nước đã tạo ra những điểm nhấn trong bức tranh du lịch sinh thái vùng lòng hồ (Ảnh: Vườn quốc gia Vũ Quang cung cấp).
Ông Nguyễn Việt Hùng - cán bộ nghiên cứu VQG Vũ Quang cho biết: “Rừng của VQG Vũ Quang có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, với hệ sinh thái, hệ động thực vật đa dạng gồm 94 loài thú thuộc 26 họ, 1.765 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 202 họ và 737 chi. Trong rừng có nhiều cảnh quan tự nhiên độc đáo như thác nước, hệ thống khe suối, hồ trên núi và các quần thể cây cổ thụ, rừng nguyên sinh.
Ngoài ra, vùng đệm của vườn là nơi sinh sống của hơn 13.000 hộ với gần 50.000 nhân khẩu, trong đó có gần 300 hộ với trên 1.000 khẩu là dân tộc Lào Thừng) có nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc, độc đáo...”.
Thác nước trong vắt giữa lưng chưng núi và bao quanh bởi thảm thực vật phong phú sẽ là nơi dừng chân lý tưởng cho những ai thích khám phá thiên nhiên hoang dã (Ảnh: Vườn quốc gia Vũ Quang cung cấp)
Ngoài hệ thống động thực vật phong phú, phong cảnh hữu tình, hồ thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang với diện tích gần 4.000 ha, trữ lượng 775 triệu m - nước với 32 hòn đảo lớn nhỏ cũng là điều kiện thuận lợi để Vũ Quang phát triển các loại hình du lịch sinh thái như du lịch môi trường, du thuyền lòng hồ, khám phá, trải nghiệm…
Ngoài việc có thể trở thành một điểm đến quan trọng để liên kết với các điểm du lịch khác trong toàn tỉnh thì đây còn là điểm nhấn trên tuyến du lịch liên kết với nước bạn Lào qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Các đoàn tham quan thành kính dâng nén tâm nhang để tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã có công giữ nước tại Nhà bia tưởng niệm nghĩa quân Cần Vương
Lòng hồ với vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ vĩ ngày càng có nhiều du khách quan tâm. Hàng năm, cứ tầm tháng 3 trở đi, hàng chục đoàn khách đến đặt vấn đề được du lịch lòng hồ. Tuy nhiên, VQG Vũ Quang chỉ bố trí phục vụ cho một số đoàn là khách của tỉnh, huyện vào khảo sát, kiểm tra kết hợp với tham quan.
Ông Nguyễn Tiến Đàm - Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp Vườn Quốc gia Vũ Quang cho biết: “Hiện nay, VQG Vũ Quang chỉ mới được UBND tỉnh giao quản lý mặt nước để phục vụ cho công tác bảo vệ rừng chứ chưa có chức năng tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái nên chúng tôi không thể khai thác để phục vụ du khách”.
Cần sớm tháo gỡ các điểm "nghẽn" về pháp lý, kinh phí để du khách có thể được tham quan, khám phá cảnh núi rừng, hồ nước, khe suối kỳ vỹ, nên thơ ở Vườn quốc gia Vũ Quang. (Ảnh: Vườn quốc gia Vũ Quang cung cấp).
Ông Trần Danh Kỳ - Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang chia sẻ thêm: “Du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia khác trong toàn quốc đều rất phát triển, kể cả những nơi không có được tiềm năng, lợi thế như ở VQG Vũ Quang. Ở các tỉnh bạn, lĩnh vực du lịch được giao cho chủ rừng khai thác, quản lý và tôi nghĩ, nếu được giao nhiệm vụ thì đơn vị cũng sẽ làm tốt việc này, sẽ phát huy tốt lợi thế thiên nhiên ban tặng, tận dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực hiện có.
Đặc biệt, chúng tôi có lợi thế là đang quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng và mặt thoáng vùng lòng hồ nên hiểu rõ từng vị trí, từng địa điểm, các vấn đề có liên quan nên có thể kết hợp nhiệm vụ bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch dễ dàng hơn”.
Vườn Quốc gia Vũ Quang cũng như đông đảo người dân vẫn đang chờ đợi một sự khơi thông để tài nguyên này sớm được khai thác phục vụ du khách.