Tàu vỏ thép hiên ngang rẽ sóng xa khơi
Từ truyền thống bám biển
Khai thác các tiềm năng kinh tế biển không chỉ có đánh bắt, chế biến và buôn bán hải sản mà còn làm muối, một số nghề thủ công phục vụ đánh bắt và chế biến hải sản. Tùy theo môi trường đánh bắt mà ngư dân áp dụng các phương thức và ngư cụ đánh bắt khác nhau như: Lưới rút, lưới xăm, lưới mười, te, câu, thả bóng, vó sáng, đăng, đáy...
Ở vùng biển ngang Thạch Hà thì phương tiện đánh bắt cá biển quan trọng nhất là thuyền và “vàng” lưới. Dù đánh ngoài khơi hay trong lộng đều dùng thuyền lớn bằng gỗ, ván, không dùng thuyền nan, thuyền thúng (trừ dùng câu mực). Cách đây 30-40 năm, thuyền đánh cá chỉ chèo bằng tay, cột thuyền phải thật vững để đủ sức chèo chống với sóng gió. Nhân lực để đi biển phải nhiều, chủ yếu là các trai tráng có sức khỏe. Dụng cụ đánh bắt chủ yếu là “vàng” lưới (được gọi chung là lưới mười, lưới rút, lưới xăm). Đánh bắt mực thì dùng thuyền câu, bắt tép thì dùng te. Đánh ngoài khơi phải dùng lưới mười, lưới rút mới bắt được cá to và phải đi dài ngày, cách xa hàng trăm hải lý.
Dù thuyền, ngư lưới cụ còn thô sơ, nhiều nguy hiểm rình rập song ngư dân vẫn phải ra khơi để đảm bảo kinh tế gia đình, bởi thế mới có câu cửa miệng: “Đi thì chết một mình cha/ Không đi thì chết cả bà liền con”. Còn đánh trong lộng chủ yếu dùng xăm.
Từ đầu năm đến nay, ngư dân Hà Tĩnh liên tục được mùa hải sản
Hải sản đánh bắt được nếu bán không hết thì cất trữ lâu dài có thể phục vụ nhu cầu gia đình. Muối mắm của người dân ven biển chủ yếu mắm lù, mắm chượp, mắm tôm… Tùy vào từng loại cá để chọn cách chế biến, cất trữ phù hợp như cá nục, có thể ướp mắm; cá cơm, cá ve, mực phơi khô; tôm, tép chế biến ruốc, mắm tôm; cá ve chế biến mắm bôi; các loại cá: ve, cơm, trích, thu… có thể làm nước mắm.
Ngoài ra, các loại cá đánh bắt được như trích, nục, thu, chim… có thể nướng lên để trong vòng một tuần để bán. Nhiều làng nghề nổi tiếng về chế biến hải sản còn duy trì đến ngày nay như Thạch Kim (Lộc Hà), nước mắm Nhượng Bạn (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) hay các vùng sản xuất muối như Hộ Độ (Lộc Hà), Kỳ Hà (TX Kỳ Anh), Thạch Bàn (Thạch Hà)…
Các cư dân ven biển, ven sông còn có nghề thủ công truyền thống đóng thuyền và đóng thùng, đan lưới, tết buồm cói... Nếu như đàn ông, thanh niên trai tráng là lực lượng chính cho mỗi chuyến đi biển thì phụ nữ lại là những người chuyên mang cá và nước mắm, ruốc… đi các chợ trong tỉnh bán. Nước mắm Hà Tĩnh xưa ngon có tiếng, với các làng nổi tiếng như: Cương Gián (xã Cương Gián - Nghi Xuân), Nhượng Bạn (xã Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên), Hải Khẩu (Cửa Khẩu - Kỳ Ninh - TX Kỳ Anh)... giao thương vùng ven biển Hà Tĩnh cũng sớm phát triển.
Cùng với quá trình sản xuất, nhiều tri thức dân gian về địa đồ từng vùng đánh bắt, sự thay đổi của thời tiết qua nước biển, hiểu biết về các loài cá theo mùa, ngày cá di cư, mùa cá đẻ… thông qua các bài vè mà ngư dân vùng Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu, Cửa Hội đều thuộc như: “… Vũng Chùa, Trộ Đó là nơi dựa thuyền/ Kéo cánh buồm lên cho khỏi Hòn La/ Bãi lum nhum Cửa Khẩu ở đó/ Chạy qua mũi Đọ thì tỏ mũi Lài/ Hòn Én nằm trửa chẳng sai/ Đây là Lạch Nhượng, vòi voi ắt là…” (Nhật trình đi biển). Hay “Ngày sinh con nước đề ra/ Mỗi tháng ắt là chỉ có hai phen/ Tháng giêng, tháng bảy đua chen/ Mồng năm, mười chín, thìn lên, tỵ hồi…” (Bài ca con nước - tổng kết chế độ thủy triều ở Nghệ Tĩnh) để biết được vị trí và loài cá đánh bắt. Các tín ngưỡng thờ thần, phong tục tập quán… cũng được hình thành, tạo nên những nét văn hóa đặc thù của cư dân vùng biển Hà Tĩnh.
Đến vươn ra biển lớn
Sự phát triển của các khu du lịch, khu đô thị ven biển như Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Xuân Thành (Nghi Xuân), Kỳ Ninh (Kỳ Anh), Thạch Bằng (Lộc Hà)… đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động cư dân vùng biển. Đặc biệt, những chính sách kích cầu để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, hỗ trợ lãi suất đã tiếp sức để ngư dân đóng mới tàu công suất lớn (từ 90 – 800 CV) vươn khơi bám biển.
Ngư dân luôn được tiếp sức để bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Nhiều tàu vỏ thép công suất lớn với các phương tiện và ngư cụ đánh bắt hiện đại như các loại lưới vây cả đàn cá lớn, tời, kéo lưới bằng mô tơ, ròng rọc, dò cá bằng máy định vị đã thay thế sức người, tiết kiệm thời gian, nhiên liệu. Việc bảo quản hải sản đánh bắt tại chỗ trên tàu hiện đại, khoa học, thuận lợi cho ngư dân đánh bắt xa bờ nhiều ngày trên biển. Các phương tiện như máy bộ đàm thường xuyên liên hệ với đất liền, biết trước bão tố, các hiện tượng thời tiết bất thường để tránh trú đảm bảo an toàn con người và tài sản. Các thuyền viên đều được trang bị phao cứu sinh an toàn.
Tác động của cơ chế thị trường, đặc biệt là khi việc khai thác biển được tiến hành theo chiều sâu, nhiều ngành nghề mới phát triển như xuất khẩu lao động, thợ lặn, cơ sở thu mua hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá (bán nhiên liệu, sửa chữa tàu thuyền, bán đá lạnh, cơ sở đông lạnh…), nuôi trồng hải sản mặn, lợ, du lịch biển, dịch vụ hàng hải, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí… đã thu hút lực lượng lao động nhiều địa phương, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển các mũi nhọn kinh tế trên địa bàn. Sản xuất nước mắm cũng như chế biến hải sản được phát triển theo hướng công nghiệp, có quy mô lớn, đồng bộ, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngày nay, những lái buôn lớn thành lập các cơ sở thu mua, cơ sở đông lạnh, chuyên chở hải sản bằng xe ô tô, tàu giữa các tỉnh và ra nước ngoài.
Tuy nhiên, xu hướng biến đổi đó cũng góp phần làm mai một đặc trưng văn hóa riêng có của các làng biển. Một số tri thức, kinh nghiệm, phong tục, thói quen của người đi biển không còn (như kiêng giẫm lên lưới, đầu thuyền…), nhân lực cho mỗi chuyến đi biển giảm đáng kể do có máy móc thế chỗ. Một số nghề đan lưới, đóng tàu thuyền chỉ còn lại rất ít.
Những biến đổi này vừa phản ánh xu thế phân công, dịch chuyển lao động, ngành nghề vừa là cơ hội “vàng” để cư dân các làng biển vươn lên tiếp cận các chính sách, kiến thức, nâng cao trình độ sản xuất, khả năng thích ứng. Hành trình vươn khơi bám biển, làm chủ thị trường cần hơn nữa những chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cao giá trị nghề chế biến thủy, hải sản, xử lý môi trường nuôi trồng thủy, hải sản mặn, lợ… Đồng thời, cần tuyên truyền để ngư dân biết bảo vệ nguồn lợi của biển, như không dùng lưới quá dày để bắt cá con, quy định thời điểm đánh bắt cá, phạm vi được đánh bắt để đảm bảo cho nguồn lợi hải sản sinh sôi, không bị cạn kiệt. Cùng với đó, căn cứ vào tình hình thực tiễn tạo điều kiện thông thoáng cho ngư dân tiếp cận chính sách hỗ trợ đóng mới tàu công suất lớn, hiện đại vươn khơi bám biển, góp phần vào công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền vùng biển Tổ quốc.