Do thủy triều lên sớm nên từ 4 giờ sáng, ông Trần Văn Lìn (73 tuổi, ở thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc) đã dậy ăn cơm, chuẩn bị đồ nghề để cùng 12 thành viên khác trong tổ lưới rùng của ông Nguyễn Văn Chình ra bờ biển đánh cá.
Chưa đầy 5 giờ sáng, màn sương đêm còn chưa tan, nhưng mọi thành viên trong tổ đã ai vào việc nấy, bủa mẻ lưới đầu tiên. Vàng lưới dài 350m được kết nối dây thừng ở 2 điểm cuối (mỗi điểm dài chừng 300m) đã được con thuyền nhỏ chở ra cách bờ chừng 500m rồi từ từ buông hết xuống biển.
Buông lưới xong, ông Lìn và những tổ viên khác bắt đầu “vũ điệu” đi giật lùi trên bãi biển giáp ranh giữa xã Thịnh Lộc với thị trấn Lộc Hà. Gần 2 giờ đồng hồ đều nhịp bước giật lùi với bao kỳ vọng của ngư dân, sợi dây thừng hai bên đầu lưới đã được thu gọn, lưới từng bước được kéo sát vào bờ, mang theo nhiều loại hải sản tươi ngon.
Kết thúc mẻ lưới đầu tiên với 90 kg cá chim, cá đù dài, cá trạo, cá mai... được thương lái mua ngay tại chỗ, cả tổ thu về 4 triệu đồng. Hôm nay, thủy triều đẹp, biển sóng êm, đáy biển không nổi cát, tôm cá tương đối nhiều nên toàn tổ nhanh chóng bủa mẻ lưới tiếp theo và phấn đấu trong ngày sẽ kéo được 5 mẻ lưới, thu nhập khoảng 20 – 22 triệu đồng.
Ông Trần Văn Lìn cho biết: “Lưới rùng là nghề truyền thống của cha ông chúng tôi để lại từ hàng trăm năm nay. Bản thân tôi đã làm nghề hơn 20 năm, trong đó có khoảng 10 năm làm tổ trưởng, nay do tuổi cao, sức yếu nên giao lại cho người khác. Để duy trì sản xuất, mỗi năm, các thành viên trong tổ đóng góp khoảng 5 triệu đồng mua lưới, mua dây, đóng mới hoặc sửa lại thuyền và các loại dụng cụ khác. Mỗi ngày làm nghề, chúng tôi có mức thu nhập khoảng 1 - 1,2 triệu đồng”.
Nghề lưới rùng chủ yếu làm thời vụ từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm (thời điểm này nước biển bắt đầu ấm dần nên hải sản vào bờ sinh sản và kiếm ăn nhiều). Nghề này phụ thuộc hoàn toàn vào triều cường (nước lên), sóng nhỏ hoặc vừa phải để lưới không bị cuốn trôi và đáy biển không sục cát.
Nghề không đòi hỏi cao về ngư cụ, chỉ cần 1 vàng lưới dài 300 – 400m, cao gần 5m, 4 cuộn dây thừng (trị giá khoảng 25 triệu đồng), 1 thuyền gỗ không động cơ (khoảng 20 triệu đồng) và một số dụng cụ phụ trợ khác (trị giá khoảng 5 triệu đồng). Đánh bắt bằng lưới rùng cũng ít nguy hiểm vì sản xuất ở vùng nước nông, chỉ bủa lưới cách bờ khoảng 500 – 700m, làm những lúc thời tiết thuận lợi, mặt biển êm đềm.
Ông Trần Xuân Lĩnh (70 tuổi, ở thôn Nam Sơn) cho biết: “Gia đình tôi làm 1 mẫu ruộng, đủ cả lúa, lạc, ngô, khoai, dưa lê. Vì sức khỏe còn ổn, lại là thời điểm nông nhàn nên tôi cùng các bạn nghề tham gia đánh lưới rùng để cải thiện thu nhập, có thêm thức ăn hằng ngày. Năm nay bước vào vụ mới khá ổn vì thời tiết thuận lợi; hải sản đánh bắt được nhiều hơn năm ngoái. Các thành viên trong tổ đều đang quyết tâm bám nghề, tích cực lao động để sắp tới có thể khai thác được nhiều hơn”.
Ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Lộc cho biết: “Xã Thịnh Lộc hiện có 7 tổ lưới rùng (1 tổ mới thành lập) ở các thôn ven biển như: Nam Sơn, Yên Điềm, Hòa Bình và Yên Định. Mỗi tổ lưới có từ 13 – 17 thành viên, đủ các lứa tuổi, chủ yếu là đàn ông. Ngư trường đánh bắt là vùng biển nước nông, chạy dọc 12 km từ giáp Nghi Xuân đến cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, Lộc Hà).
Những vụ sản xuất trước, bình quân mỗi vụ các tổ lưới này đánh được 110 – 130 tấn hải sản các loại, trị giá khoảng 7,5 - 8 tỷ đồng; trừ chi phí sản xuất, mỗi vụ ngư dân có nguồn thu nhập khoảng 90 - 100 triệu đồng/người/4 tháng. Năm nay, chúng tôi đang động viên, khuyến khích bà con tích cực sản xuất để có sản lượng và thu nhập cao hơn”.