Người cựu binh “ngược xuôi” xoa dịu nỗi đau da cam

(Baohatinh.vn) - Chiến tranh đã kết thúc nhưng nỗi đau vẫn còn âm ỉ. Có lẽ, không có sự xoa dịu nào ấm áp bằng tình cảm giữa những đồng đội dành cho nhau. Chính vì thế, nhiều năm nay, ông Trần Quốc Dinh - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin huyện Can Lộc luôn nỗ lực chia sẻ với những nạn nhân trên địa bàn.

Ông Dinh cho biết: “Với những người trở về từ những trận đánh ác liệt như tôi, được sống khỏe mạnh là điều vô cùng may mắn. Chính vì thế, tôi cũng như nhiều đồng đội luôn nỗ lực chia sẻ với những người đang mang trong mình di chứng CĐDC/dioxin. Dù tuổi đã cao nhưng tôi vẫn tích cực tham gia các hoạt động sẻ chia nỗi đau da cam với các nạn nhân trên địa bàn. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý của những cựu binh may mắn trở về như tôi”.

Người cựu binh “ngược xuôi” xoa dịu nỗi đau da cam

Ông Dinh thường xuyên thăm hỏi, động viên đồng đội và con em mang trong mình di chứng của chất độc da cam (Trong ảnh: Ông Dinh tặng quà cho con của cựu binh Nguyễn Đình Thi)

Đã nhiều năm nay, với gia đình cựu binh Nguyễn Đình Thi (tổ dân phố 3, thị trấn Nghèn, Can Lộc), ông Dinh thân thiết như người nhà. Không chỉ là đồng đội của nhau, ông Dinh còn là người góp phần sẻ chia khó khăn, nỗi đau mà gia đình ông Thi đang phải gánh chịu.

Vợ chồng ông Thi sinh được 5 người con, nhưng oan nghiệt là cả 5 đều bị di chứng của CĐDC. Hai người con đầu của ông bà mất khi vừa mới chào đời, hai cô con gái hiện nằm một chỗ với cơ thể tật nguyền, chỉ có một người con trai là còn có khả năng lao động. Cuộc sống của ngần ấy con người nghèo khổ, bệnh tật gần như lâm vào bế tắc nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ người đồng đội của ông.

Người cựu binh “ngược xuôi” xoa dịu nỗi đau da cam

Cửa hàng tạp hóa nhỏ được gây dựng từ vốn vay của Hội là nguồn sống của gia đình ông Thi

Cảm thông với hoàn cảnh, nỗi đau của gia đình, ông Dinh đã gợi ý ông Thi kiếm sinh kế để có nguồn thu nhập, chăm lo cho các con, ổn định cuộc sống. Ông Dinh đã huy động nguồn đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, cùng với số vốn 10 triệu đồng vay từ nguồn quỹ của Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Can Lộc, giúp vợ chồng ông Thi mở được một cửa hàng tạp hóa nhỏ.

“Dù thu nhập không lớn nhưng đó là nguồn sống của gia đình tôi. Không chỉ giải quyết cho vay vốn làm ăn, bác Dinh còn thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên tôi và trao quà cho các cháu. Đó là động lực to lớn để chúng tôi vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống” - ông Thi chia sẻ.

Người cựu binh “ngược xuôi” xoa dịu nỗi đau da cam

Gia đình ông Nguyễn Văn Thìn phát triển đàn lợn từ sự hỗ trợ con giống ban đầu của hội

Cũng như gia đình ông Thi, ông Nguyễn Văn Thìn (thôn Đông Hòa, xã Khánh Lộc) đã gây dựng mô hình chăn nuôi lợn từ sự hỗ trợ con giống ban đầu của hội. Đến nay, gia đình ông Thìn đã phát triển đàn lợn được hơn 50 con, thu nhập cũng đủ cho ông bà trang trải cuộc sống, góp một phần thuốc men cho ông chữa trị di chứng CĐDC. Thi thoảng ông Dinh vẫn ghé qua nhà ông Thìn, ký ức về một thời máu lửa vẫn sôi nổi trong câu chuyện của những người lính.

Trở về từ chiến trường, nhiều cựu binh lựa chọn con đường làm ăn kinh tế để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nhưng ông Dinh đã chọn công việc mà ít người làm vì không muốn “nặng lòng” thêm nữa sau cuộc chiến. Cứ như thế, bao năm nay, ông Dinh vẫn ngày ngày cần mẫn với công việc của một cán bộ hội. Ông nhớ như in những cái tên của đồng đội và con em họ, đọc vanh vách địa chỉ, hoàn cảnh từng gia đình nạn nhân CĐDC trên địa bàn.

Người cựu binh “ngược xuôi” xoa dịu nỗi đau da cam

Ông Dinh và các cán bộ hội cần mẫn với công việc để không bỏ sót quyền lợi của bất cứ đối tượng nào

Những ngày đầu đạp xe đến tận từng nhà, tìm hiểu hoàn cảnh, hoàn thiện hồ sơ cho các đối tượng nhiễm CĐDC, ông Dinh luôn bỏ tiền túi hỗ trợ các nạn nhân. Chính hoàn cảnh khó khăn của các gia đình đã thôi thúc ông Dinh quyết tâm khâu nối, vận động các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Không quản ngại khoảng cách về địa lý, ông tìm đến những người bạn chiến đấu cũ mà nay có điều kiện kinh tế khá giả hoặc con cái thành đạt, tìm đến các doanh nghiệp, nhà chùa trên cả nước để quyên góp.

Người cựu binh “ngược xuôi” xoa dịu nỗi đau da cam

Người cựu binh già vẫn đau đáu một nỗi niềm làm thế nào để xoa dịu nỗi đau cho đồng đội mình (Trong ảnh: Ký ức về một thời máu lửa vẫn sôi nổi trong câu chuyện của những cựu binh già như ông Dinh, ông Thìn)

Nhờ đó, hơn 400 hội viên nạn nhân CĐDC, trong đó, 200 người là nạn nhân trực tiếp đều được hội đảm bảo quyền lợi, các chế độ, chính sách. Những năm qua, 18 hội viên đã được hỗ trợ xây nhà tình thương với số tiền từ 20-75 triệu đồng/căn. Gần 30 đối tượng được hội hỗ trợ vay vốn, cây con giống để phát triển sản xuất, tạo sinh kế ổn định cuộc sống… Hiện nay, ông Dinh cùng với các cán bộ hội đang hoàn thiện 29 bộ hồ sơ của các nạn nhân để Quỹ Thiện Tâm Group khảo sát hỗ trợ làm nhà tình thương.

Người cựu binh già năm nay đã 73 tuổi, di chứng chiến tranh cũng hành hạ ông mỗi khi trái gió trở trời, nhưng ông vẫn đau đáu một nỗi niềm: “Bằng những gì có thể, phải cố làm hết sức để xoa dịu nỗi đau da cam cho đồng đội mình”.

  • Người cựu binh “ngược xuôi” xoa dịu nỗi đau da cam
    Như người cha của người khuyết tật

    Ông là Trần Quốc Dinh (thị trấn Nghèn), năm nay ngoài 70 tuổi, thương binh hạng ¾, là Chủ tịch Hội Tàn tật, trẻ mồ côi và Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Can Lộc(Hà Tĩnh).

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.