Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Tuyển xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, đông con tại thôn Lâm Khê, xã Sơn Lâm. Năm 1985, ông Tuyển lên đường nhập ngũ tại Đại đội 15, Trung đoàn 728, Sư đoàn 314, đóng quân tại tỉnh Hà Giang.
Tháng 11/1988, sau 3 năm 4 tháng tham gia quân đội, ông Tuyển xuất ngũ trở về địa phương. Năm 1990, ông nên duyên với người con gái cùng quê là Trần Thị Thắm (SN 1968) và có với nhau 3 người con (2 trai, 1 gái).
Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ nơi quê nhà những ngày đầu gặp không ít khó khăn nhưng với bản tính chịu thương chịu khó, lại được rèn luyện trong môi trường quân đội nên ông Tuyển dần đưa cuộc sống lao động sản xuất vào ổn định.
Năm 1995, thực hiện chủ trương “phủ xanh đất trống, đồi trọc", vợ chồng ông Trần Văn Tuyển mạnh dạn nhận gần 27ha đất trồng rừng và khoanh nuôi tại thôn Lâm Khê, xã Sơn Lâm với tâm nguyện biến khu rừng hoang vu vắng dấu chân người thành mảnh đất màu mỡ, trù phú.
Thời điểm ấy, nhiều người cho rằng ông Tuyển bị “khùng”, bởi khu vực này chỉ là vùng đất thâm u, đầy sỏi đá, rất khó phát triển sản xuất nông nghiệp. Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu dị nghị, đôi vợ chồng cần mẫn bám đất bám rừng, kiên trì với công việc.
Sau nhiều năm phát quang đất rừng, mở đường, vợ chồng ông vay mượn người thân bạn bè số tiền hơn 200 triệu đồng để trồng keo, trồng các loại cây như cam chanh V2, bưởi Diễn, đào ao thả nuôi cá, nuôi trâu, bò, lợn gà, ong… Nhờ đầu tư đúng hướng, trang trại của vợ chồng ông Tuyển ngày càng phát triển, thu nhập không dưới 300 triệu đồng/năm.
Vốn là người nhạy bén trong làm ăn kinh tế, tháng 11/2023, ông Tuyển bắt đầu chuyển hướng đầu tư, phá bỏ một số diện tích trồng cây ăn quả hiệu quả thấp sang trồng cà gai leo. Đầu năm 2024, ông Tuyển bắt tay đầu tư trên 300 triệu đồng để trồng cà gai leo trên diện tích 1,5 ha.
Theo ông Tuyển, trồng cà gai leo không khó so với các loại cây trồng khác, tuy nhiên, đất trồng cây phải là đất thịt tơi xốp. Để cây phát triển tốt nhất thì nên trộn phần đất thịt với phân chuồng và chia đất thành các luống với kích thước rộng 0,7m, rãnh sâu 30cm.
Do quá trình sinh trưởng và phát triển của cây vào mùa hè nên cần tưới nước thường xuyên. Đặc biệt, khi cây bắt đầu ra quả thì chú trọng tưới dọc theo từng luống để tránh gây úng rễ, không làm lãng phí nguồn nước.
Ngoài ra, cần thực hiện nhổ cỏ dại thường xuyên để phòng trừ sâu bệnh hại cho cây. Cây cà gai leo ít bị sâu bệnh nên công đoạn chăm bón đơn giản, tiết kiệm thời gian. Thông thường, cây trồng khoảng tầm 4 tháng là có thể thu hoạch; mỗi năm có thể thu hoạch 2 vụ.
Mặc dù mới đưa vào trồng vụ đầu tiên nhưng nhờ phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên cây sinh trưởng và phát triển tốt; năng suất đạt 4,5 - 5 tấn/ha (cà gai leo khô). Với giá bán hiện tại 45 - 50 triệu đồng/tấn, mỗi ha thu hoạch khoảng 200 triệu đồng, cao hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích.
Từ kết quả bước đầu, ông Tuyển dự định tiếp tục mở rộng diện tích trồng cà gai leo, bởi đây là loài cây dễ tính, ít sâu bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đặc biệt, từ đầu vào đến đầu ra đều được cơ sở chế biến cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm.
Theo Chủ tịch Hội CCB xã Sơn Lâm Nguyễn Hữu Tạo, mô hình trồng cà gai leo của CCB Trần Văn Tuyển là mô hình mới nên nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các hội viên CCB trong toàn xã từ khi trồng đến khi thu hoạch. Khi triển khai mô hình, chúng tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng, bởi ông Tuyển là hộ có kinh nghiệm rồi. Sự thành công của mô hình cà gai leo này là cơ hội cho việc thay thế các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp ở địa phương. Tới đây, chúng tôi sẽ tập hợp các hội viên để thành lập THT trồng cà gai leo nhằm nhân rộng mô hình.
Cà gai leo (có tên khoa học là Solanum procumbens thuộc họ Solanaceae) còn được gọi là cà gai dây, cà vạnh, cà lù, cà bò, được dùng để trị phong thấp, sâu răng, cảm cúm, ho, ho gà, dị ứng, giải độc rượu, bia, chống say tàu xe, điều trị viêm gan…