Người dân vùng biển Hà Tĩnh hưởng lợi từ đề án kiểm soát dân số

(Baohatinh.vn) - Hơn 150 ngàn lượt phụ nữ được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, 2.700 trẻ sơ sinh được xét nghiệm máu để sàng lọc bệnh tật... là kết quả trong 10 năm thực hiện đề án kiểm soát dân số vùng biển, ven biển và hải đảo giai đoạn 2009 - 2020 tại Hà Tĩnh.

Người dân vùng biển Hà Tĩnh hưởng lợi từ đề án kiểm soát dân số

Hà Tĩnh có 45 xã vùng biển được hưởng lợi từ Đề án 52.

“Trước đây chúng tôi vẫn còn suy nghĩ đông con hơn nhiều của, phải có con trai để có thêm nhân lực đi biển. Nhưng cuộc sống bây giờ đã khác, người vùng biển cũng nhiều trường hợp chọn con đường xuất khẩu lao động để có thêm thu nhập. Thế nên, ước mong của chúng tôi là con cháu có được cuộc sống đầy đủ, khỏe mạnh, được học hành tử tế”, ông Nguyễn Đình Minh, ở xã Thạch Kim (Lộc Hà) chia sẻ.

Sự thay đổi của ông Minh cũng là suy nghĩ chung của nhiều người dân ở vùng biển Lộc Hà. Đó là kết quả của quá trình tuyên truyền, vận động của đội ngũ cán bộ dân số trong suốt 10 năm triển khai thực hiện đề án số 52/2009/QĐ-TTg về kiểm soát dân số vùng biển, ven biển và hải đảo giai đoạn 2009 - 2020 (gọi tắt là Đề án 52).

Người dân vùng biển Hà Tĩnh hưởng lợi từ đề án kiểm soát dân số

Việc tuyên truyền cho người dân được cộng tác viên dân số xã Xuân Yên (Nghi Xuân) thực hiện ngay trên bãi biển

Thời gian qua, cán bộ chuyên trách cộng tác viên dân số 7 xã vùng biển Lộc Hà đã tăng cường đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tuyên truyền vận động.

Cùng với đó, việc tạo cơ hội cho chị em tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản bằng các hoạt động khám, siêu âm, cấp phát thuốc, tư vấn và cung cấp các phương tiện tránh thai… đã giúp chị em nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo đó, việc triển khai các chiến dịch về chăm sóc sức khỏe sinh sản đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Người dân vùng biển Hà Tĩnh hưởng lợi từ đề án kiểm soát dân số

Triển khai đề án, phụ nữ xã Hộ Độ (Lộc Hà) thường xuyên được thăm, khám sức khỏe.

Bác sỹ Đào Văn Thế, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lộc Hà chia sẻ: “Mưa dầm thấm lâu, sau 10 năm miệt mài triển khai Đề án 52, đội ngũ cán bộ dân số cơ sở đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ, quan niệm của người dân, của các cấp chính quyền địa phương về công tác dân số.

Nhờ đó, tỷ lệ sinh trên 2 con ở Lộc Hà trong năm nay là 37%, giảm 0,6% so với năm 2019”.

Người dân vùng biển Hà Tĩnh hưởng lợi từ đề án kiểm soát dân số

Việc sinh hoạt câu lạc bộ đã giúp chị em phụ nữ ở Nghi Xuân nâng cao hiểu biết về chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Đề án 52 còn giúp ngư dân Hà Tĩnh có thêm cơ hội tiếp cận, hưởng thụ các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản. Phụ nữ vùng biển đã có sự gắn kết với nhau thông qua các loại hình câu lạc bộ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc…

Chị Phan Thị Thêm - cộng tác viên dân số thôn Yên Ngư (xã Xuân Yên, Nghi Xuân) cho biết: “Thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, sinh hoạt câu lạc bộ của thôn, chúng tôi đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các chính sách về dân số, KHHGĐ đến tận thành viên. Ngoài ra, đây cũng là dịp để chị em trao đổi kinh nghiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan, tìm hiểu thêm các kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc…”.

Người dân vùng biển Hà Tĩnh hưởng lợi từ đề án kiểm soát dân số

Phụ nữ xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) được tư vấn các kiến thức về chăm sóc SKSS.

Từ việc triển khai đề án, các địa phương vùng biển và ven biển ở Hà Tĩnh đã xây dựng được mô hình can thiệp đảm bảo sự phát triển bình thường bào thai và sức khỏe cho các bà mẹ mang thai. Trong thời gian qua, tại 45 xã thuộc 6 huyện, thị toàn tỉnh triển khai đề án đã có hơn 150.000 lượt người được khám, tư vấn về chăm sóc SKSS/KHHGĐ; gần 9.000 lượt người trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn được khám sức khỏe sinh sản; gần 3.000 người được xét nghiệm máu để phát hiện các loại bệnh; 2.700 trẻ sơ sinh được xét nghiệm máu.

Bác sỹ Bùi Quốc Hùng - Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ cho biết: “10 năm thực hiện Đề án 52 đã nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân về vấn đề DS/KHHGĐ. Đến nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các vùng biển, ven biển áp dụng các biện pháp tránh thai là 58%.

Tỷ lệ người làm việc và người dân sinh sống ven biển, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực ven biển và trên biển được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đạt 95%”.

Tháng 4 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án số 52/2009/QĐ-TTg về kiểm soát dân số vùng biển, ven biển và hải đảo giai đoạn 2009 - 2020. Hà Tĩnh là một trong 28 tỉnh, thành trên cả nước có 45 xã thuộc 6 huyện, thị được hưởng lợi từ đề án, trong đó: Nghi Xuân 11 xã, Thạch Hà 9 xã, Cẩm Xuyên 6 xã, Lộc Hà 7 xã, huyện Kỳ Anh 5 xã, thị xã Kỳ Anh 7 xã.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.